TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG CHO HỌC SINH

Ngày 25/6/2020,Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quốc Oai tổ chức buổi truyền thông “Phòng,…

Continue ReadingTRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG CHO HỌC SINH

TRANG BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG NĂM 2020

Triển khai kế hoạch công tác năm 2020, sáng ngày 15/6/2020, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội( gọi tắt là Trung tâm CTXH) phối…

Continue ReadingTRANG BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG NĂM 2020

CHI BỘ TRUNG TÂM CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI HÀ NỘI- NĂM NĂM MỘT NHIỆM KỲ

Chi bộ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội được thành lập ngày 5/6/2014. Chi bộ đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, đề…

Continue ReadingCHI BỘ TRUNG TÂM CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI HÀ NỘI- NĂM NĂM MỘT NHIỆM KỲ

Trong một hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn về các biện pháp bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao là 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình. Trên thực tế, số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, tố giác vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải.

Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, bị xử lý (bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng và xâm hại tình dục trẻ em theo quy định của Bộ luật Hình sự) cho nên con số nói trên mới là phần nổi của tảng băng chìm. Ở ”phần nổi” này, có 28 tỉnh, thành phố trong năm 2016 hoặc 2017 có từ 30 đến 110 trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục bị xử lý hình sự. 3 năm gần đây, số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý ở Việt Nam có giảm nhưng tỷ lệ giảm không nhiều (năm 2016 giảm 4,4% so với năm 2015; năm 2017 giảm 3% so với năm 2016).

Tuy nhiên, tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những trẻ em tuổi mầm non. Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức. Người cao tuổi, cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và người có trách nhiệm chăm sóc trẻ lại là đối tượng gây ra bạo lực, xâm hại trẻ em…

Phân tích những hạn chế dẫn đến tình trạng trên, Bộ Lao động-TBXH cho rằng, công tác bảo vệ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn bởi các nguyên nhân, như: Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được quan tâm; công tác giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị – xã hội về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, kịp thời, thường xuyên, hiệu quả…, môi trường thông tin và mạng xã hội có nhiều sản phẩm độc hại. Bên cạnh đó, sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa, biến chất về lối sống của một nhóm xã hội làm gia tăng tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em.

 

Trung tâm Công tác xã hội Hà Nội tổ chức truyền thông “Phòng chống xâm hại, bắt cóc trẻ em” tại trường tiểu học Yết Kiêu (Quận Hà đông)

Ảnh:  Phòng Đào tạo và phát triển cộng đồng

  Luật trẻ em được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 5/4/2016 quy định rõ: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục (Điều 25);Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.(Điều 26); Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.(Điều 27); Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.(Điều 28).

Theo đó, Luật cũng quy định các cấp độ để bảo vệ trẻ em như:   Cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; Cấp độ hỗ trợ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; Cảnh báo về nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và trẻ em nhằm tạo lập lại môi trường sống an toàn cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; Tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Để đề xuất các biện pháp bảo vệ và chăm sóc trẻ em, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Tăng cường việc thực thi pháp luật, chính sách về trẻ em, bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ; phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em và tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục… đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, gây tổn hại cho trẻ em, có tính chất phức tạp hoặc chậm được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Bộ LĐ-TB&XH và các đoàn thể liên quan Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Trung ương Đoàn TNCS HCM cần có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan về việc chỉ đạo, đôn đốc, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Cùng với đó, Cục Trẻ em và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trực tiếp hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thực hiện các biện pháp kịp thời phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục theo quy định của pháp luật; chủ động cung cấp, trao đổi thông tin với báo chí để dư luận xã hội hiểu đúng bản chất vụ việc.

Trung tâm công tác xã hội Hà Nội truyền thông “phòng chống Bạo lực học đường” tại trường THCS Bích Hòa (huyện Thanh Oai)

Ảnh:  Phòng Đào tạo và phát triển cộng đồng

Cùng với các ban, ngành, đoàn thể khác, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã có những hoạt động góp phần bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm đã tổ chức bổ sung kỹ năng sống cho 1.875 trẻ em; trên 30 cuộc tư vấn, nói chuyện chuyên đề về kỹ năng ứng xử trong phòng, chống bạo lực gia đình cho 445 phụ nữ tại các xã, phường. Tổ chức 32 cuộc truyền thông “Phòng chống bạo lực học đường”, “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên” cho hơn 13.300 học sinh trung học cơ sở, tiểu học tại các quận/huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạnh Thất, Quốc Oai…

Trong những năm tới, xác định công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được triển khai, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội tiếp tục có những hoạt động như: Tổ chức tập huấn công tác xã hội trong trường học cho giáo viên, cán bộ làm CTXH các trường học; Tổ chức các cuộc truyền thông “Phòng chống bạo lực học đường” “Phòng chống xâm hại, bắt cóc trẻ em” ; tổ chức bổ sung kỹ năng sống cho trẻ em…để góp phần thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn Thành phố./.

 

 

Trịnh Thị Phương

Trưởng phòng Đào tạo và phát triển cộng đồng

Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội