TIN TỨC

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn huyện Thạch Thất
Ngày đăng: 2024-07-05 14:27:42

      Tiếp tục thực hiện kế hoạch 1071/KH-SLĐTBXH ngày 28/3/2024 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội về việc triển khai hoạt động tư vấn, tham vấn và trang bị kỹ năng sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024; ngày 04/7/2024, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất triển khai 03 lớp trang bị kỹ năng sống cho 150 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của huyện tại các xã Hương Ngải, Tân Xã và Thạch Xá.

      Tham dự chương trình có ông Vũ Hồng Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội; Bà Lê Thị Lâm – Phó phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất và đại diện lãnh đạo các xã trong huyện.

      Phát biểu khai mạc, đồng chí Vũ Hồng Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm; thông tin đến các em đường dây nóng trợ giúp khẩn cấp (24/7) của Trung tâm 0243.2233.111; tiếp nhận thông tin về các trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp như nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động, người lang thang xin ăn đưa về nơi cư trú, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gia đình, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục, thân thể; ngoài ra còn cung cấp số điện thoại Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 để khi các em có những vấn đề về bạo lực, xâm hại, nguy cơ bị bạo lực, xâm hại hoặc bị vi phạm quyền trẻ em có thể gọi điện trực tiếp đến số điện thoại trên để được trợ giúp kịp thời.

Ảnh: Đồng chí Vũ Hồng Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phát biểu khai mạc lớp trang bị kỹ năng sống và hướng nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất

      Tại xã Thạch Xá, Thạc sỹ Lưu Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm tâm lý Giáo dục Green edu đã trao đổi với các em chủ đề: “Tình yêu, sức khoẻ sinh sản” và “Kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em“. Giảng viên cho các em khởi động và chơi trò chơi như “Vua tiếng Việt”, ”Siêu trí tuệ” với những câu hỏi ngắn gọn, giúp các em hiểu về Luật trẻ em, về những thay đổi tuổi dậy thì, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì, kiến thức về Tình yêu giới tính. Với chủ đề “Kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em”, giảng viên đã hướng dẫn các em một số kỹ năng cơ bản như: nín thở để cơ thể nổi lên khi bất ngờ bị rơi xuống nước; kỹ năng cứu nạn hợp lý khi phát hiện nạn nhân bị đuối nước và cách sơ cấp cứu cho nạn nhân như hô hấp nhân tạo, ép tim…

Ảnh: Trẻ em hăng hái tích cực tham gia câu hỏi tình huống với chủ đề” Tỉnh yêu, sức khoẻ sinh sản”

Ảnh: Trẻ em tham gia thực hành chủ đề” Kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em”

      Chủ đề trang bị kỹ năng sống cho các em tại xã Hương Ngải là “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em“. Thạc sĩ Hoàng Thị Thơm – Chuyên gia Tâm lý học đường Trung tâm Tâm lý Giáo dục Green edu đã giúp các em củng cố và mở rộng những hiểu biết về bạo lực học đường: các hình thức bạo lực học đường, nguyên nhân dẫn đến bạo lực, hậu quả của bạo lực học đường, các biện pháp phòng chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó giảng viên còn đưa ra các câu hỏi, tình huống thực tế và kể những câu chuyện để các em tự nhận ra được cần yêu quý bản thân mình, yêu thương bố mẹ, thầy cô, tôn trọng bạn học và những người xung quanh; kiểm soát cảm xúc của bản thân, nhận diện các nguy cơ bị xâm hại…

Ảnh: Trẻ em tham gia trả lời câu hỏi với chủ đề “Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em” lớp Trang bị kỹ năng sống tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất

      Tại xã Tân Xã, Thạc sĩ Tạ Chí Thành – Giảng viên bộ môn Tâm lý trường đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ chủ đề “Kỹ năng bảo vệ bản thân” “Bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng xã hội”. Giảng viên đã mời các em chia sẻ những hiểu biết của mình về internet, mạng xã hội, nhu cầu và tần suất sử dụng mạng xã hội của bản thân. Những lợi ích và tác hại khi sử dụng mạng xã hội được chỉ ra thông qua tình huống cụ thể, giúp các em có nhận thức tốt hơn về việc sử dụng internet một cách an toàn. Giảng viên cũng cung cấp và chia sẻ những kiến thức và kỹ năng như: nhận biết các hành vi xâm hại qua môi trường mạng; kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước vấn nạn xâm hại hiện nay, nhất là xâm hại tình dục trên môi trường mạng và cách sử dụng internet an toàn cho lứa tuổi học trò, kinh nghiệm xử lý tình huống khi có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.

Ảnh: Trẻ em tham gia hoạt động nhóm giải quyết tình huống với chủ đề “Kỹ năng bảo vệ bản thân”lớp kỹ năng sống tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất

Ảnh: Trẻ em tham gia giải quyết tình huống với chủ đề “Bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng xã hội” tại lớp trang bị kỹ năng sống ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất.

      Bên cạnh phần lý thuyết, các em được tham gia trò chơi, tương tác với giảng viên qua những câu hỏi tình huống, giúp các em liên hệ được lý thuyết và thực hành để củng cố thêm kiến thức và có kỹ năng tự bảo vệ chính mình.

      Bằng những nội dung thiết thực, cùng với sự nhiệt tình, tâm huyết của giảng viên, các lớp trang bị kỹ năng sống đã cung cấp thêm rất nhiều những kiến thức bổ ích cho các em. Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội xin trân trọng cảm ơn Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các xã Thạch Xá, Hương Ngải và Tân Xã của huyện Thạch Thất và các giảng viên đã phối hợp, đồng hành cùng Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội trong hoạt động ý nghĩa này./.

Phạm Văn Ban – Trung tâm CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội