TIN TỨC

Tập huấn kỹ năng công tác xã hội trong trường học tại huyện Thạch Thất
Ngày đăng: 2024-07-27 16:50:46

     Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, ngày 23-24;25-26/7/2024, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất tổ chức 04 lớp tập huấn kỹ năng công tác xã hội trong trường học cho 200 đại biểu là đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên và nhân viên làm công tác xã hội trong trường học của các trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn của huyện Thạch Thất.

      Tham dự Hội nghị có đồng chí Vũ Hồng Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, đại diện phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Thạch Thất; truyền đạt kiến thức, kỹ năng tại các lớp tập huấn là Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên – Trưởng khoa Triết học (nguyên Phó Khoa Công tác xã hội) trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Tiến sĩ Đỗ Thị Bích Thảo và Tiến sĩ Đặng Thị Huyền Oanh – giảng viên khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ảnh: Đồng chí Vũ Hồng Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phát biểu khai mạc

      Phát biểu khai mạc, đồng chí Vũ Hồng Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm; thông tin đến các đại biểu đường dây nóng trợ giúp khẩn cấp (24/7) của Trung tâm 0243.2233.111; tiếp nhận thông tin về các trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp như nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động, người lang thang xin ăn đưa về nơi cư trú, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gia đình, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục, thân thể; các trường hợp có nhu cầu tư vấn về chính sách bảo trợ xã hội, tham vấn tâm lý, các kỹ năng giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình hay cần sự giúp đỡ và kết nối đến các dịch vụ hỗ trợ.

Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên – Trưởng khoa Triết học (nguyên Phó khoa Công tác xã hội) trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị tập huấn

        Các giảng viên đã phân tích những vấn đề đang tồn tại trong trường học hiện nay, đó là các rối loạn tâm lý, các vấn đề về sức khoẻ tâm thần của học sinh, nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, tệ nạn xã hội, tình trạng học sinh bỏ học, vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, nghiện game online… Công tác xã hội trường học có vai trò bảo vệ học sinh trước các nguy cơ; hỗ trợ học sinh phát triển năng lực cá nhân và xã hội thông qua các hoạt động chuyên môn bằng phương thức làm việc cá nhân, nhóm và cộng đồng. Do đó, tầm quan trọng của công tác xã hội đối với học sinh là giúp các em phát huy tối đa năng lực của bản thân và khả năng tự hoàn thiện, cải thiện an sinh trẻ em và giảm chi phí cơ hội trong tương lai.

Ảnh: Tiến sĩ Đỗ Thị Bích Thảo, giảng viên Khoa Công tác xã hội trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị tập huấn

      Đồng thời, các đại biểu cũng được cung cấp các kiến thức, kỹ năng chủ yếu của công tác xã hội trong trường học. Trong quá trình chia sẻ, thông qua trò chơi tập thể, giảng viên đã khéo léo dẫn dắt học viên đến với các chủ đề của bài học. Trò chơi “Xỏ chân vào dép” giúp người học dễ dàng thấu hiểu hơn khi học sinh có vấn đề. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, học viên được thực hành các kỹ năng thông qua sắm vai giải quyết tình huống cụ thể. Ba kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi và kỹ năng thấu cảm được giảng viên phân tích kỹ lưỡng và các học viên tham gia thảo luận sôi nổi. Qua đó giúp các học viên được bổ sung cả về kiến thức và kĩ năng trong việc trợ giúp học sinh giải quyết các vấn đề.

Ảnh: Tiến sĩ Đặng Thị Huyền Oanh, giảng viên Khoa Công tác xã hội trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn học viên sắm vai tình huống tại Hội nghị tập huấn

      Giảng viên cũng nhấn mạnh, khi học sinh gặp nhữngvấn đề xã hội như: dễ bị kích động; hành vi lệch chuẩn; tâm lý tự ti, mặc cảm; không chủ động trong giao tiếp; không thích bị ràng buộc bởi nề nếp, quy định tập thể; tình cảm ít biểu hiện ra ngoài; dễ bị lôi cuốn, sa ngã vào các tệ nạn xã hội; nhạy cảm và hiếu động; thiếu kinh nghiệm sống và khả năng tự kiềm chế bản thân, rất cần nhân viên công tác xã hội hoặc các thầy cô giáo có kiến thức, kỹ năng chuyên môn về công tác xã hội trợ giúp, thông qua sự kết nối điều phối các hoạt động giữa gia đình, nhà trường và xã hội, giúp học sinh giải quyết các khó khăn, phát huy tốt nhất khả năng học tập.

Ảnh: Học viên trình bày kết quả thảo luận nhóm

      Kết thúc lớp tập huấn, lãnh đạo địa phương và các đại biểu mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của Trung tâm để ngày càng có thêm nhiều đợt tập huấn thiết thực và chuyên sâu hơn nữa dành cho giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội trong các trường học của huyện. Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của phòng Lao động-TB&XH, phòng Giáo dục Đào tạo huyện Thạch Thất và các giảng viên để các lớp tập huấn được thành công.

Ảnh: Đại biểu tham dự tập huấn chụp ảnh lưu niệm với giảng viên sau Hội nghị

Nguyễn Thị Thu Hiền – Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ BTTE Hà Nội