GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP
Visit Today : 94 |
Total Visit : 1397381 |
Hits Today : 1328 |
Who's Online : 1 |
TIN TỨC
Ngày 25/3/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020.(gọi tắt là Đề án 32).Mục tiêu chung của Đề án là “Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 32; điều phối các hoạt động của Đề án 32. Kết quả là các Bộ, ngành trung ương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch thực hiện mục tiêu của Đề án; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Đề án 32, chỉ đạo các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện các nội dung, giải pháp của Đề án 32 trên địa bàn tỉnh, thành phố; bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Đề án 32.
Ngày 19/8/2015 Liên bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch 30/2015/TTLT – BLĐTBXH – BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội. Đây chính là căn cứ pháp lý quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương đối với viên chức ngành công tác xã hội, toàn bộ viên chức chuyên ngành công tác xã hội làm việc trong các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy công tác xã hội đã chính thức được công nhận là một nghề ở Việt Nam.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về nghề công tác xã hội, nhận thức của các cấp bộ đảng, chính quyền và người dân được nâng lên. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục đã xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo nghề công tác xã hội ở trình độ đại học, thạc sỹ, một số cơ sở đã đào tạo trình độ tiến sỹ; số lượng sinh viên học nghề công tác xã hội cũng được tăng lên; các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng làm việc với các đối tượng xã hội. Kết quả đã có hàng ngàn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, cán bộ đoàn thể được tập huấn, thăm quan các mô hình công tác xã hội trong nước và quốc tế, nhiều trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội đã được thành lập mới, một số trung tâm bảo trợ xã hội được bổ sung thêm chức năng công tác xã hội.
Thực hiện Quyết định số 32, ngày 03/11/2010, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2010- 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ban chỉ đạo Đề án Phát triển Nghề Công tác xã hội Thành phố đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nghề công tác xã hội và các văn bản pháp luật về chính sách xã hội; Tổ chức rà soát nhu cầu đào tạo của viên chức, nhân viên, công tác viên làm công tác xã hội tại các cơ sở Bảo trợ xã hội và tại cộng đồng. Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 32, Sở Lao động TB&XH đã phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về nghề công tác xã hội cho hàng ngàn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm công tác xã hội đang làm việc tại các hội, đoàn thể tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và cán bộ đang làm việc tại các cơ sở xã hội trực thuộc Sở về nghề công tác xã hội, cung cấp các kiến thức, kỹ năng làm việc trực tiếp với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng cũng như tại cơ sở nuôi dưỡng, hỗ trợ các đối tượng ổn định cuộc sống từng bước vươn lê hòa nhập đời sống cộng đồng.
Ngày 21 tháng 3/2014, UBND Thành phố đã bàn hành Quyết định số: 1541/QĐ – UBND về việc thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội ( Trung tâm) trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Trung tâm được UBND thành phố bố trí trụ sở tại số 45 Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, đây là địa điểm rất thuận lợi cho hoạt động cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội và người dân có nhu cầu cung cấp các dịch vụ công tác xã hội vì trên địa bàn quận Hà Đông có nhiều cơ sở y tế, giáo dục chất lương cao, giao thông thuận lợi. Trung tâm ra đời đánh dấu sự quyết tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố trong việc thực hiện mục tiêu phát triển công tác xã hội trên địa bàn Thành phố theo hướng chuyên nghiệp.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, sự hỗ trợ, cộng tác, phối hợp của các cấp bộ đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội từ Thành phố đến các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân hảo tâm Trung tâm đã khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo đúng quy trình của nghề công tác xã hội. Kể từ khi đi vào hoat động đến nay, Trung tâm đã thực hiện việc tiếp nhận trợ giúp đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp gồm: trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động, người bị lạc đường có biểu hiện rối nhiễu tâm trí qua đường dây nóng
04 33 525 662 duy trì 24/24h hàng ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết. Kết quả đã hỗ trợ trên 141 đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp cho các đối tượng là trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia định, người lang thang… trong đó có 40 đối tượng được tiếp nhận nuôi dưỡng lâu dài tại các cơ sở Bảo trợ xã hội; 62 đối tượng được tái hòa nhập cộng đồng; tiếp nhận, quản lý trường hợp với 626 đối tương.. ; tổ chức đào tạo 02 lớp trình độ sơ cấp nghề CTXH theo hình thức vừa làm vừa học cho 80 học viên tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dường người tâm thần Hà Nội và Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội, tổ chức 22 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng nghề CTXH cho trên 2106 cán bộ làm công tác Lao động – Thương binh và Xã hội, cán bộ các đoàn thể chính trị xã hội tại 584 xã, phường, thị trấn .Tổ chức khảo sát trực tiếp qua phiếu 655 hộ gia đình tại 17/17 phường tại quận Hà Đông về nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của một số nhóm đối tượng xã hội “ yếu thế” bao gồm: 355 người cao tuổi, 143 người khuyết tật, 45 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 78 hộ nghèo, 38 người tâm thần có biểu hiện rối nhiễu tâm trí. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương và họ rất cần có sự trợ giúp của các nhân viên công tác xã hội ngay tại địa bàn họ đang sinh sống để họ hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân được thụ hướng chính sách an sinh xã hội. Qua quá trình khảo sát, cán bộ trung tâm cũng đã phối hợp với các chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục để họ được hưởng chế độ trợ cấp cho người khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con. Tư vấn qua phiếu cho trên 400 học sinh phổ thông cơ sở của Trường PTCS Tân Dân và Văn Hoàng huyện Phú Xuyên; Tổ chức các chương trình truyền thông trực tiếp cho người cao tuổi, giáo viên, học sinh, sinh viên về cách chăm sóc sức khỏe, cách phòng chống bệnh ở người cao tuổi; sức khỏe sinh sản với học sinh, giáo dục kỹ năng phòng chống bạo hành, bạo lực của học sinh… Liên hệ với chính quyền, người dân cùng xác định các vấn đề cần thiết cho cuộc sống của người dân tại cộng đồng dân cư như: vận động người dân làm sạch môi trường, kiến nghị chính quyền hỗ trợ cho các hộ dân tiếp cận cơ chế, chính sách xã hội, tạo điều kiện cho trẻ em có khu vui chơi phù hợp với điều kiện địa phương, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục… Bằng những việc là cụ thể, thiết thực và có hiệu quả của cán bộ, viên chức Trung tâm nhiều cá nhân, tổ chức đã biết đến các hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội do Trung tâm cung cấp, nhiều cá nhân đã đến trực tiếp, viết thư cảm ơn về công tác tham vấn, tư vấn, trợ giúp khẩn cấp, nhiều trẻ em bị lạc, mất nguồn nuôi dưỡng…. đã được Trung tâm tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng của Thành phố giải quyết chế độ như: đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình cho họ trở về hòa nhập đời sống cộng đồng, có những gia đình có mâu thuẫn gia đình, tranh chấp về quyền nuôi con..cũng đã được cán bộ trung tâm phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội, các chuyên gia tham vấn, tư vấn và họ đã hòa thuận. Qua quá trình tổ chức các hoạt động cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội tại cộng đồng cho thấy nghề Công tác xã hội có vai trò rất lớn trong việc nâng cao năng lưc tự giải quyết các nhu cầu phục vụ cuộc sông cho cá nhân, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên hòa nhập đời sống cộng đồng. Đồng thời nghề Công tác xã hội còn giúp cho người dân chủ động trong việc cải thiện môi trường xã hội thông qua các hoạt động kết nối nguồn lực như: tiếp cận cơ chế, chính sách nhà nước và các chính sách riêng có của địa phương, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ tư vấn, tham vấn về luật pháp,khả năng nội lực của mỗi cá nhân, cộng đồng để mỗi cá nhân, cộng đồng tự giải quyết vấn đề của mình.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế quốc tế, các quốc gia không chỉ liên kết về kinh tế, kinh doanh mà rất cần có sự liên kết về các hoạt động xã hội. Các nước phát triển như: Mỹ, Canada; Anh, Thụy Điển, Thái Lan, Singapore, Philippin…đều có các trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, sự xuất hiện của Hiệp hội Công tác xã hội Quốc tế được khởi sự từ năm 1926 với sự tham gia của 116 thành viên đã minh chứng cho sự cần thiết phát triển nghề công tác xã hội theo nền kinh tế thị trường.
Để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân; Phát huy truyền thống “ Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam; Thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội. Ngày 15/9/ 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ – TTg lấy ngày 25/3 hàng năm là “ Ngày Công tác xã hội Việt Nam ” đây chính là ngày Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020.
Ngày 01/3/2017 Trung tâm đã nhận được GIẤY PHÉP THIẾT LẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRÊN MẠNG số 553/GP – TTĐT với tên miền: dichvuctxh.hanoi.gov.vn do Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cấp và đang hoàn thiện Quy chế hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp theo quy định của pháp luật.
Ngày 24/3/2017, Trung tâm tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu “ Đơn vị đạt chuẩn văn hóa” năm 2016 theo Quyết định số 11467/QĐ – UBND ngày 15/12/2016 của UBND quận Hà Đông và Kỷ niệm “ Ngày Công tác xã hội Việt Nam” đúng vào dịp Kỷ niệm 3 năm ngày thành lập, đây là những kỷ niệm rất đáng ghi nhớ của những cán bộ, viên chức và người lao động tại Trung tâm. Cũng từ đây đã có hai đồng chí lãnh đạo phòng của Trung tâm được điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội.
Thời gia hoạt động của Trung tâm chưa nhiều, nhưng cũng đã có những thành quả bước đầu rất đáng trân trọng, làm tiền đề cho một nghề mới phát triển theo hướng chuyên nghiệp của nghề CÔNG TÁC XÃ HỘI nghề “ BÁC SỸ ĐA KHOA ĐIỀU TRỊ BỆNH XÃ HỘI CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG XÃ HỘI CẦN SỰ TRỢ GIÚP VÀ NGƯỜI DÂN CÓ NHU CẦU CUNG CẤP CÁC DỊCH VỤ XÃ HỘI ” . Từ khi đi vào hoạt động đến nay Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu làm việc cho cán bộ trung tâm như: đầu tư trang bị đầy đủ trang thiết bị làm việc cho cán bộ, các phòng làm việc được đầu tư mở rộng, ô tô chuyên dùng phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ của trung tâm. Tuy nhiên so với chức năng, nhiệm vụ của một trung tâm cung cấp các dịch vụ công tác xã hội thì nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nuôi dưỡng, các dịch vụ tham vấn, tư vấm, trị liệu, dạy kỹ năng sống…… còn thiếu thốn, chưa tương thích với nhiệm vụ được giao nên trong quá trình cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân,Trung tâm rất mong nhận được sự hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng, tài liệu kỹ thuật, trang bị cơ sở vật chất của các Bộ, ngành Trung ương, UBND thành phố Hà Nội, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, các nhà hảo tâm, học sinh, sinh viên và các nhà hoạt động xã hội hãy chung tay với Trung tâm trong các hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân ngay tại cộng đồng.
Mọi sự phối hợp cộng tác, hỗ trợ xin trân trọng kính mời các tập thể, cá nhân trực tiếp đến Trung tâm tại địa chỉ số 45 Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông hoặc liên hệ qua Email: ttccdvctxh_soldtbxh@hanoi.gov.vn Chúng tôi rất mong nhận được sự phối hợp, cộng tác của các Quý vị./.
Nguyễn Ngọc Minh
Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội