TIN TỨC

Hướng đến ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2018 với chủ đề: “ CÔNG TÁC XÃ HỘI – VÌ HẠNH PHÚ NHÂN DÂN”
Ngày đăng: 2022-06-30 09:36:25

Từ năm 1926,  Hiệp hội nhân viên công tác xã hội Quốc tế đã được thành lập đến nay, Hiệp hội đã có trên một trăm quốc gia  thành viên tham gia trong đó có Việt Nam, với hàng chục triệu hội viên. Trên thế giới công tác xã hội đã trở thành nghề chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, ngày 25/3/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề công tác xã hội  giai đoạn 2010 – 2020. Mục tiêu chung của Đề án là “ Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp. Góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”.

 

Ngày 19/8/2015 Liên Bộ:  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT – BLĐTBXH – BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội. Viên chức được quy định theo Mã số và phân hạng như sau: Công tác xã hội viên chính ( hạng II) mã số V.09.04.01; Công tác xã hội viên

( hạng III) mã số V.09.04.02; Nhân viên công tác xã hội ( hạng IV) mã số V.09.04.03. Bên cạnh đội ngũ viên chức hoạt động chuyên nghiệp trong các cơ sở dịch vụ xã hội công lập ngày 24/5/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2013/BLĐTBXH , Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn có hiệu lực thi hành từ ngày 09/7/2013. Như vậy Công tác xã hội đã chính thức được công nhận là một nghề ở Việt Nam, đối tượng phục vụ của nghề công tác xã hội chủ yếu là đối tượng “ yếu thế” như: trẻ em, người khuyết tật, người già, người nghèo, người cao tuổi, người nghiện ma túy, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, người hành nghề mại dâm… và một số đối tượng có nhu cầu cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội. Với sự đa dạng về đối tượng phục vụ thì đòi hỏi người hành nghề Công tác xã hội ( CTXH) cũng phải được trang bị các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về từng lĩnh vực cụ thể thì chất lượng dịch vụ mới đạp ứng được yêu cầu của các đối tượng.Tháng 7 năm 2000 tại Montreal, Canada ( ISW) Hiệp hội nhân viên công tác xã hội Quốc tế đã thông qua  Định nghĩa: “Nghề công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, Công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và Công bằng xã hội là nguyên tắc căn bản của nghề”.

 

Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” Bản chất của an sinh xã hội là việc nhà nước ban hành hệ thống các Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật để tạo ra hệ thống “ lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp cho các thành viên trong xã hội” mà trụ cột chủ yếu chính là các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tự nguyện, ..… để khi những cá nhân tham gia các loại hình bảo hiểm bị ốm đau, mất khả năng lao động, mất việc làm, hoặc chết sẽ được cơ quan bảo hiểm hỗ trợ chi trả. Nhờ có sự thay thế hoặc bù đắp thu nhập kịp thời mà người lao động có thêm nguồn lực để khắc phục được những tổn thất về vật chất, nhanh chóng phục hồi sức khỏe, ổn định cuộc sống để tiếp tục tham gia quá trình lao động, học tập… hòa nhập đời sống cộng đồng .Công tác xã hội với những chức năng cơ bản là: Phòng ngừa, Hỗ trợ, Phục hồi và Phát triển trong đó chức năng phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên các biện pháp phòng ngừa cũng chỉ có tác động giảm bớt sự rủi ro, tuyệt nhiên không làm mất đi sự rủi ro, đây là một thực tế khách quan. Để giúp người dân khắc phục được những tai nạn rủi ro, nguồn lực đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quan trọng, đồng thời Nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia trợ giúp xã hội. Sự giúp đỡ của người dân trong quá trình chia sẻ, khắc phục khó khăn do thiên tại, dịch bệnh, rủi ro đã trở thành truyền thống của người dân Việt Nam đó là “ lá lành đùm lá rách” sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị đã tạo ra được nguồn lực quan trọng để triển khai, thực hiện các hoạt động trợ giúp kịp thời các nhu cầu thiết yếu như: thức ăn, nơi ở, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh… nhưng để khắc phục những tổn thương về tinh thần thì vai trò của các nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và cộng tác viên công tác xã hội tại xã, phường, thị trấn đóng vai trò rất quan trọng. Cả nước hiện nay có 413 cơ sở trợ giúp xã hội trong đó 49% là cơ sở công lập, 51% cơ sở ngoài công lập, trong đó có 37 trung tâm công tác xã hội, còn lại là các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người già, người khuyết tật, trẻ em mồ côi với khoảng trên 15 ngàn cán bộ, nhân viên. Các cơ sở này hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 41.434 đối tượng trợ giúp xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 11.365 trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi,4.723 người già cô đơn, 8.218 người khuyết tật, 10.438 người mắc bệnh tâm thần mãn tính, 1.421 người nhiễm HIV/AIDS và 5.269 đối tượng trợ giúp xã hội khác. Các đối tượng được nuôi dưỡng tập trung được Nhà nước bảo đảm mức sống tối thiểu theo quy định, trẻ em được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, rất nhiều trẻ mồ côi đã trở thành giáo viên, cán bộ xã hội… hòa nhập cộng đồng, nhiều em sau khi học nghề lại trở về phục vụ các đối tượng xã hội. Các đối tượng xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế,  cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, khi chết được hỗ trợ mai táng phí.

Hiện nay số cán bộ làm công tác xã hội chuyên nghiệp tại 37 trung tâm công tác xã hội là 778 người ( bình quân 21 người/1 trung tâm) trong đó nữ là 546 người chiếm tỷ lệ 70,18%. Hệ thống Trung tâm công tác xã hội đã cung cấp các dịch vụ như: cung cấp dịch vụ khẩn cấp, tư vấn, tham vấn, kết nối dịch vụ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực, phát triển cộng đồng… tính đến năm 2015 đã có 43/63 tỉnh, thành phố, 447/713 quân, huyện và 11.118 xã đã triển khai xây dựng Hệ thống bảo vệ trẻ em. Hệ thống này đã phần nào cung cấp được các dịch vụ phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bóc lột, bỏ mặc và can thiệp sớm đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giúp các em hòa nhập cộng đồng. Tính đến tháng 12/2014 đã có 134 văn phòng tư vấn trẻ em cấp huyện; 1.539 điểm tham vấn cộng đồng, 2.765 điểm tham vấn trường học; 418 cơ sở trợ giúp trẻ em khác được thành lập và đi vào hoạt động. Những điểm tham vấn cộng đồng này đã góp phần tích cực vào việc tư vấn, tham vấn, kết nối nguồn lực, dịch vụ giúp cho các đối tượng có cơ hội lựa chọn dịch vụ xã hội phù hợp với khả năng của “ thân chủ” để tự tin hòa nhập đời sống cộng đồng.Công tác xã hội là sự tác động giữa nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp hoặc cộng tác viên vào đối tượng cần sự trợ giúp xã hội “ thân chủ” của mình. Thân chủ có thể là trẻ em, người già, người tàn tật, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên….hoặc là các tập thể   dân cư ( cộng đồng) đang gặp phải những khó khăn cần sự hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp… để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Do đó theo nguyên tắc hoạt động của nghề công tác xã hội với cá nhân, tập thể đều phải  hướng tới mục tiêu là mang lại lợi ích chính đáng cho thân chủ, đồng thời  phải phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như đạo đức xã hội, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân khi tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội. Do đó người làm công tác cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phải có kiến thức chuyên sâu vì mỗi đối tượng có những yêu cầu về chuyên môn khác nhau, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp phù hợp với công việc trợ giúp các đối tượng “ yếu thế” vượt qua khó khăn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

Từ những căn cứ trên cho thấy số đối tượng cần chăm sóc xã hội rất lớn và đa dạng, tuy nhiên nhu cầu tiếp cận các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp cần được các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm tạo điều kiện cho các mô hình công tác xã hội trong bệnh viện, trường học, các cơ quan tư pháp và tại cộng đồng phát triển. Đây là xu hướng chung của thế giới, cung cấp dịch vụ xã hội tại cộng đồng sẽ tạo cơ hội cho nhiều người dân được tiếp cận dịch vụ, đồng thời tiết kiệm được kinh phí chi cho các việc xây dựng, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung. Từng bước xã hội hóa các dịch vụ trợ giúp xã hội, Nhà nước chỉ duy trì những mô hình trợ giúp xã hội  thiết yếu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội . Thực hiện tốt các dịch vụ CTXH theo hướng chuyên nghiệp là giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả an sinh xã hội cho người dân là một chủ trương đúng đắn và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Phát triển an sinh xã hội là chính sách cơ bản để người dân có thêm nguồn lực khi gặp rủi ro, giảm sự nghèo đói, góp phần quan trọng tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Mục tiêu chung của Đề án phát triển Nghề công tác xã hội  giai đoạn 2010 – 2020 đã từng bước phát huy hiệu quả đó là phát triển CTXH gắn với các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH chuyên nghiệp tạo ra cơ hội thuận lợi cho người dân tiếp cận đến các chính sách về việc làm, giảm nghèo bền vững, dịch vụ trợ giúp xã hội, tham gia bảo hiểm xã hội, có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng “ yếu thế” như: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật nặng, người nghèo, người già có thu nhập thấp, trẻ em mồ côi….tăng cường cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội một cách thuận tiện nhất  như dịch vụ tham vấn, tư vấn về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, cách tiếp cận công nghệ thông tin có kết nối mạng Internet, các hình thức truyền thông phong phú, đa dạng theo hướng gắn với cộng đồng dân cư, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm cuộc sống về vật chất, tinh thần cho người dân, đảm bảo cho người dân có cuộc sống an toàn, bình đẳng.

Ngày 15/9/ 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ – TTg  lấy ngày 25/3 hàng năm là “ Ngày Công tác xã hội Việt Nam  đây chính là ngày Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Ngày công tác xã hội năm 2018 với chủ đề : “Công tác xã hội – Vì hạnh phúc nhân dân” là dịp để để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân; Phát huy truyền thống “ Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam; Thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội.

Nghề CÔNG TÁC XÃ HỘI nghề “ BÁC SỸ ĐA KHOA ĐIỀU TRỊ BỆNH XÃ HỘI CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG XÃ HỘI CẦN SỰ TRỢ GIÚP VÀ NGƯỜI DÂN CÓ NHU CẦU CUNG CẤP CÁC DỊCH VỤ XÃ HỘI ”.  theo xu hướng thế giới Nhà nước tạo cơ hội cho các đối tượng “ yếu thế” và người dân có nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ công tác xã hội gắn với cộng đồng, bảo đảm cho người dân khi gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời, phù hợp với từng ca cụ thể tạo động lực giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư cho tương lai, để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội chính là “ bà đỡ” với người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Để các hoạt động công tác xã hội của thành phố Hà Nội chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, ngày 21 tháng 3/2014, UBND Thành phố đã bàn hành Quyết định số: 1541/QĐ – UBND về việc thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội ( Trung tâm) trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Trung tâm được UBND thành phố bố trí trụ sở tại số 45 Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, đây là địa điểm rất thuận lợi cho hoạt động cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội và người dân có nhu cầu cung cấp các dịch vụ công tác xã hội vì trên địa bàn quận Hà Đông có nhiều cơ sở y tế, giáo dục chất lương cao, giao thông thuận lợi. Trung tâm  ra đời đánh dấu sự quyết tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố trong việc thực hiện mục tiêu phát triển công tác xã hội  trên địa bàn Thành phố theo hướng chuyên nghiệp. Từ khi đi vào hoạt động đến nay Trung tâm đã   tiếp nhận, hỗ trợ  trên 100 đối tượng cần sự hỗ trợ khẩn cấp, tiếp nhận, quản lý trường hợp trên 1000 đối tượng, tư vấn, tham vấn hàng ngàn lượt tư vấn, nhiều đối tượng đã được tái hòa nhập cộng đồng; nhiều đối tượng có quyết định nuôi dưỡng lâu dài tại các Trung tâm  BTXH thuộc Sở Lao động – TBXH ; Tổ chức 02 lớp sơ cấp nghề công tác xã hội cho 80 học viên tại trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần và trung tâm Bảo trợ II – Sở LĐ – TBXH ; tổ chức các cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cho người cao tuổi, người khuyết tật, học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở ; Tổ chức trên 20 lớp tập huấn kỹ năng Công tác xã hội cho gần 2000 lượt cộng tác viên công tác xã hội tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.Tổ chức 02 lớp tập huấn “Công tác xã hội trong trường học” năm 2017 cho 120 giáo viên THCS, giáo viên tiểu học tại huyện Thanh Oai, tiếp tục triển khai công tác xã hội trong tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở trong năm học 2017 – 2018. Tạo điều kiện cho sinh viên khoa công tác xã hội các trường đại học trên địa bàn Hà Nội thực hành nghề công tác xã hội gắn với các hoạt động xã hội tại cộng đồng dân cư; Xây dựng nội dung và phát hành tờ rơi truyền thông về chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của Trung tâm. Phối hợp với các cơ quan truyền thông của Thành phố và các tạp chí của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tuyên truyền về các hoạt động của Trung tâm.

Trung tâm mới được thành lập nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa tương thích với nhiệm vụ được giao nên trong quá trình cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân,Trung tâm  rất mong nhận được sự  hỗ trợ về kỹ năng, tài liệu kỹ thuật, trang bị cơ sở vật chất của các Bộ, Ngành Trung ương, UBND thành phố Hà Nội, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế;  các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, các nhà hảo tâm, học sinh, sinh viên và các nhà hoạt động xã hội hãy chung tay với Trung tâm và cộng đồng tạo cơ hội ngày càng tốt hơn cho người dân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội. Mọi sự phối hợp, hỗ trợ cộng tác xin mời trực tiếp đến Trung tâm hoặc liên hệ qua Email: ttccdvctxh_soldtbxh@hanoi.gov.vn Chúng tôi luôn luôn chào đón quý vị./.

 

Nguyễn Ngọc Minh

                                 Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

– Tài liệu về chính sách an sinh xã hội;

– Quyết định số 488/QĐ – TTg ngày 14/4/2017 của Chính phủ;

– Báo cáo tóm tắt Chính sách đổi mới hệ thống chính sách trợ giúp xã hội – Bộ Lao động – TBXH – NXB LĐXH năm 2017;

– Hình ảnh các hoạt động kỷ niệm ngày ctxh Việt Nam lần thứ nhất trên mạng Internet