TIN TỨC

Giáo dục gia đình là trường học đầu tiên, yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Ngày đăng: 2022-06-30 09:41:04

 Điều 98. Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em khoản 1, Luật trẻ em quy định: “ Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em; dành điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi; thường xuyên liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để hướng dẫn, trợ giúp trong quá trình thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em”. Căn cứ vào các quy định trên cho thấy vai trò của gia đình, đặc biệt là cha, mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em. Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ em, do đó mọi cử chỉ của cha, mẹ, người thân trong gia đình có tác động rất lớn đến sự phát triển của trẻ vì trong giai đoạn đầu tiên kể cả trong thời gian mang thai các bà, mẹ được tiếp cận với các dịch vụ y tế để được tư vấn, sàng lọc, phòng ngừa các bệnh tật bẩm sinh cho trẻ em thì khi đứa trẻ ra đời sẽ có điều kiện phát triển về thể chất khỏe mạnh, đây là yếu tố rất quan trọng để tinh thần của trẻ phát triển tốt, đây là hai yếu quan trọng tốt tạo ra sự phát triển toàn diện cho trẻ em. Trong giai đoạn từ 01 – 03 tuổi trẻ vừa học ăn, ngủ và tiếp cận với việc học nói, trong thời gian này bố, mẹ, các thành viên cần  giành thời gian tiếp xúc với trẻ vì từ ánh mắt, nụ cười, cử chỉ thân thiện với trẻ sẽ tạo cho đứa trẻ một môi trường giáo dục lành mạnh và trẻ sẽ nói theo cách nói của bố, mẹ và hành động theo kiểu “ làm theo” bố, mẹ và người thân trong gia đình. Hiện nay do những  điều kiện về công việc, kinh tế.. nhiều ông bố, bà mẹ phải đi làm rất sớm, khi đi làm thì con chưa ngủ dậy, khi về nhà thì con đã ngủ.. nhiều người do phải đi công tác xa có khi hàng năm sau khi con ra đời mới được gặp con, thời gian đầu trẻ còn không nhận “bố, mẹ” vì trẻ chưa được tiếp cận. Đây là thời kỳ đầu tiên hình thành nhân cách ở trẻ, tiếp sau đó là giai đoạn 3 – 6 tuổi, trẻ em bắt đầu tiếp cận với môi trường rộng hơn gia đình đó là nhà trẻ hay nhóm trẻ và chịu sự giáo dục của các bảo mẫu, cô giáo nuôi dạy trẻ, và tiếp sau đó là môi trường giáo dục. Để cho con có môi trường giáo dục tích cực nhiều gia đình cố gắng giành những gì tốt nhất để lo cho con được học tập, nuôi dưỡng ( học bán trú) từ đây mọi việc từ ăn, ngủ, học tập các con phải thực hiện theo yêu cầu của cô giáo, tập thể và cuối ngày bố, mẹ mới đón con về. Nhiều bậc cha mẹ thường có thói quen hỏi: hôm nay con ăn có ngon không ?, con có được cô giáo khen không ? thậm chí con có bị cô giáo phạt không ? …vv. Khi nghe con mình nói, các bậc cha, mẹ phải lắng nghe và điểm nào chưa rõ thì liên hệ với thầy giáo, cô giáo và nếu cô giáo có những hành vi chưa phù hợp thì phải bình tĩnh chia sẻ với cô giáo tránh việc hành xử thiếu  văn hóa như bắt cô giáo quỳ, đánh giáo viên… vì cách hành xử đó không những không đúng pháp luật và sau khi kết thúc sự việc mới nhận ra sai lầm thì mọi việc đã muộn, cách hành xử như vậy chính người lớn đã  vô tình hình thành cho trẻ em cách hành xử với nhau bằng bạo lực hành vi này rất nguy hiểm. Tiếp sau đó là giai đoạn từ 6 tuổi đến 18 tuổi, đây là giai đoạn trẻ em phải thường xuyên thay đổi cách tiếp cận với thầy giáo, cô giáo và các môn học khác nhau và phải chịu áp lực rất lớn về thi cử, lựa chọn nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội như: quan hệ thầy, cô, quan hệ bạn bè thậm chí là tình bạn khác giới. Do đó trong thời gian này bên cạnh việc học tập văn hóa, trẻ em còn có nhu cầu tham gia các hoạt động xã hội, thông qua các hoạt động tập thể nhiều em cũng đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trước bạn bè, thầy cô, gia đình. Đây là giai đoạn trẻ em rất cần sự chia sẻ của gia đình, nhiều bậc cha mẹ do quá kỳ vọng vào con, luôn mong muốn con mình phải đạt danh hiệu này, danh hiệu kia và nhiều khi có những  so sánh thiếu khách quan như: bố, mẹ lo cho con đủ thứ sao điểm của con không cao bằng bạn này, bạn khác… gia đình bạn ấy nghèo mà sao nó giỏi thế… con học thế thì có mà toi cơn, phí tiền cho đi học thêm ..vv và chính cha mẹ đã tạo ra áp lực lớn với chính con mình. Do trẻ em chưa có khả năng giải quyết được áp lực từ gia đình đã tìm đến cái chết rất thương tâm như một học sinh ở trường PTTH Nguyễn  Khuyến quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh đã tự tử do áp lực học tập. Sau mỗi mùa thi cũng không ít trường hợp học sinh bỏ nhà ra đi,  thậm chí coi việc thất bại trong học tập thì không còn gì để mất nên chán nản và giải sầu bằng cách tìm đến rượu, thậm chí bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội;cũng đã có một nhóm học trò do không thi đỗ đại học đã rủ nhau “ tự tử”  do không đỗ đạt theo mục tiêu của gia đình.

Trong mỗi con người đều có điểm mạnh, điểm yếu và trong nhận thức cũng vậy, có người giỏi toán, người giỏi văn, người giỏi hội họa, ca hát, thể thao… nhưng dù ở cương vị nào nếu mỗi cá nhân đều cố gắng vươn lên trong lao động sản xuất, học tập để tạo dựng cho mình một nghề nghiệp phù hợp với khả năng, sức khỏe, điều kiện kinh tế – xã hội nơi minh sinh ra, hay nơi mình lập thân, lập nghiệp thì vẫn có thể trở thành những nhà sản xuất, kinh doanh thành đạt và cũng có những đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội, được Nhà nước vinh danh. Một mùa thi mới lại sắp đến, do đó rất cần các bậc phụ huynh hãy hỗ trợ những gì con cần nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện của gia đình và giành thời gian chia sẻ với con, quan tâm đến sức khỏe của con, tâm tư nguyện vọng lập thân, lập nghiệp của con, động viên con cố gắng với nỗ lực cao nhất để  vươn lên trong học tập, rèn luyện để đạt mục tiêu cao nhất trong kỳ thi sắp tới và nếu không đạt mục tiêu thì cũng có thể chuyển hướng khác phù hợp hơn. Đừng gây áp lực cho con mình vì gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người, nhưng cũng là môi trường giáo dục cả cuộc đời vì thành công của con thì niềm vui đầu tiên là con, tiếp đến là cha, mẹ, các thành viên trong gia đình và khi con chưa thành công thậm chí thất bại thì sự chia sẻ của gia đình có vai trò rất quan trọng giúp mỗi cá nhân ổn định được cuộc sống vươn lên hòa nhập cộng đồng./.

                                                          Nguyễn Ngọc Minh  

 

 

Tài liệu tham khảo: Luật số 102/2016/QH 13  LUẬT TRẺ EM

    Ảnh minh họa từ Internet