GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP
Visit Today : 118 |
Total Visit : 1396492 |
Hits Today : 764 |
Who's Online : 1 |
TIN TỨC
Tình hình thiên tai trên cả nước và Thủ đô Hà Nội
Tại Việt Nam, trong năm 2018 thiên tai xẩy ra liên tiếp trên các vùng miền của cả nước với 16/21 hình thái thiên tai, cụ thể: 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận giông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 09 đợt gió mạnh trên biển; 04 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài ở mức cao nhất kể từ năm 2011; triều cường lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung. Tính đến 20/12/2018, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm chết và mất tích 218 người.
Tại Hà Nội, năm 2018, thiên tai cũng đã gây úng ngập tại huyện Chương Mỹ và huyện Quốc Oai. Khi ngập úng xẩy ra UBND Thành phố đã có Công văn số 3554/UBND – KT ngày 03/8/2018 và Công văn số 3556/UBND – KT ngày 06/8/2018, trong đó giao Sở Công thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính tổ chức thực hiện hỗ trợ, cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân bao gồm 4 mặt hàng cứu trợ là gạo, nước uống, mỳ chính, bột canh.Kết quả thực hiện việc cấp 64. 200 kg gạo, trong đó Chương Mỹ 50.000; Quốc Oai 14.200; cấp 9.420 thùng nước ( mỗi thùng 20 lít) trong đó Chương Mỹ 8.000 thùng nước; Quốc Oai 1.420 thùng nước; Mỳ chính 4.710 gói, trong đó Chương Mỹ 4.000 gói, Quốc Oai 710 gói; Bột canh 9.420 gói trong đó Chương Mỹ 8.000 gói, Quốc Oai 1.420 gói. Bên cạnh đó các cơ quan, đoàn thể chính trị xã hội đã tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà cho nhân dân các vùng bị úng ngập. Đã có 69 cơ quan, đơn vị hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng ủng hộ nhân dân vùng úng ngập. Sau khi nước rút các ban, ngành và người dân bị ảnh hưởng ngập úng đã chủ động làm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ổn định đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Chung – Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống ngập lụt
tại đê tả sông Bùi đoạn qua xã Thanh Bình huyện Chương Mỹ chiều ngày 30/7/2018. Ảnh Thanh Hải
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Chủ tịch HĐND TP Hà Nội thăm và tặng quà cho gia đình thương binh ¼ Nguyễn Hữu Di thôn Tân Tiến, xã Tân Tiến huyện Chương Mỹ chiều ngày 25/7/2018 . Ảnh Thủy Tiên
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn thăm hỏi, tặng quà ông Trịnh Bá Thích thôn Hạnh Bồ xã Nam Phương Tiến,
huyện Chương Mỹ chiều ngày 24/7/2018. Ảnh Trọng Tùng
Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủng hộ nhân dân huyện Chương Mỹ
khắc phục hậu quả thiên tai 100 triệu đồng.
Những tháng đầu năm 2019, thiên tai đã xảy ra ở khắp các vùng miền trên cả nước: mưa lớn cực đoan, mưa đá, giông lốc, sạt lở bờ sông, bờ biển.. nhất là khu vực miền Bắc gây thiệt hại lớn về tài sản. Gần đây nhất, từ ngày 25/5 đến 01/6, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Yên Bái. Thiên tai từ đầu năm đến nay đã làm 23 người chết và mất tích; 36 người bị thương và thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản. Tại Hà Nội năm nay thời tiết nắng nóng nhiệt độ cao nhất lên đến 38 độ, mưa đã gây ngập úng tại các khu đô thị như An Khánh, Từ Liêm… nhiều điểm ngập úng cục bộ tại các khu dân cư gây thiệt hại về kinh tế khá lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Khi thiên tai xẩy ra các Ban, ngành, chính quyền các cấp và người dân Thành phố đã chủ động khắc phục kịp thời thiệt hại tại chỗ, đảm bảo đời sống cho người dân.
Từ những căn cứ trên đây cho thấy tình hình biến đổi khí hậu đã có những tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân, thiên tai có thể gây chết người, gây thương tích cho con người, vật nuôi, làm thiệt hại về tài sản, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh… làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân trong cộng đồng và làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Thiên tai cũng tạo ra các cú sốc cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Ví dụ thiên tai làm chết người ( người đó có thể là cha, mẹ của các trẻ em hoặc trẻ em bị chết do lũ cuốn trôi…) thiên tai đã làm chết, mất tích nhiều người, cá biệt có gia đình bị mất cả cha, mẹ, nhiều trẻ em rời vào cảnh mồ côi cha, mẹ… Thiên tai gây thiệt hại về sinh kế của cá nhân, cộng đồng. Ví dụ thiên tai làm vỡ đê, kè, làm thiệt hại về lúa, hoa màu của người dân khi đến mùa thu hoạch , hạn hán, ngập úng làm cho người dân mất mùa, làm hỏng tàu đánh cá của người dân… nhiều hộ dân đang mong đến mùa thu hoạch để cải thiện cuộc sống, không may thiên tai ập đến làm mất đi tất cả. Cuộc sống vốn đã khó khăn, tiếp tục bị khó khăn. Thiên tai đã làm cho cuộc sống bị “ bế tắc” làm cho cuộc sống khó khăn, thiếu ăn, môi trường ô nhiễm dẫn đến dịch bệnh. Đây chính là thảm họa do sự biến đổi khí hậu gây ra cho người dân, đặc biệt là các đối tượng “ yếu thế” là trẻ em và người cao tuổi. Họ bị ảnh hưởng về tâm lý rất mạnh vì sự việc xẩy ra đột ngột ảnh hưởng đến nhiều người cùng một lúc như vụ lũ quét làm thiệt hại cả một bản làng; vụ ngập úng một khu đô thị làm hàng loạt ngôi nhà bị ngập úng, ô tô, xe máy bị ngập trong tầng hầm, ngập úng cục bộ trong khu dân cư … không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn tạo ra các sang chấn tâm lý, stress cho nên họ cần được sự trợ giúp về kinh tế và sự trợ giúp về tâm lý để vượt qua khó khăn hòa nhập cộng đồng.
Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong phòng chống biến đối khí hậu
Nhân viên công tác xã hội (NVCTXH) làm việc trong cộng đồng khi có thiệt hại do thiên tai gây ra, trước hết phải là những cán bộ có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ các nguồn thông tin từ người dân hay tổ chức xã hội tại nơi mình công tác phản ánh. Sau đó đánh giá, sàng lọc, kiểm tra lại tính chính xác của thông tin và báo cáo với Lãnh đạo địa phương để có biện pháp khắc phục kịp thời. NVCTXH tại cộng đồng phải là những cán bộ đã được đào tạo bài bản về các giải pháp hỗ trợ người dân khi thiên tai gây ra. Luôn thực hiện đúng những nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai đó là:
Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả đó chính là thực hiện có hiệu quả chức năng nghề công tác xã hội trong phòng chống biến đổi khí hậu. Khi có thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn có ảnh hưởng đến địa bàn công tác ( hoặc sự chỉ đạo của Lãnh đạo địa phương), NVCTXH phải chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương thông báo kịp thời cho người dân biết, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thiệt hại khi thiên tai xẩy ra một cách chủ động. Khi thiên tai xẩy ra phải cùng với các lực lượng địa phương để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Kịp thời thống kê thiệt hại về người, tài sản, hoa màu… ( nếu có) để tham mưu cho lãnh đạo địa phương có các biện pháp trợ giúp kịp thời.
Trong phòng chống thiên tai NVCTXH phải tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ đó là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Đồng thời thực hiện tốt chính sách trợ giúp của nhà nước, địa phương dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai một cách công bằng, minh bạch và bình đẳng giới. Đồng thời thực hiện đúng chức trách được giao trong quá trình phối hợp với các lực lượng tại chỗ hoặc lực lượng được điều động từ nơi khác đến hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra.
Bên cạnh việc thực hiện chức năng phòng ngừa, chữa trị thì NVCTXH còn phải chủ động thực hiện các biện pháp ổn định về tâm lý, sức khỏe, các giải pháp về sinh kế…Do đó NVCTXH cần phải tiến hành các hoạt động trợ giúp cá nhân, gia đình vượt qua những khó khăn do thiên tai gây ra như: mất mát về người thân, tài sản, điều kiện sinh kế… đó chính là việc đồng hành cùng “ thân chủ” của mình xây dựng Kế hoạch phục hồi lại những gì đã mất để từng bước giúp họ vượt qua khó khăn, hòa nhập đời sống cộng đồng.
Về phục hồi các chức năng tâm lý
Khi “thân chủ” có người thân bị mất họ thường có tâm lý bị “ khủng hoàng” thậm chí sợ hãi quá mức. Ví dụ: Khi nhìn thấy người thân bị lũ cuốn trôi mà không có khả năng cứu giúp được họ trở lên lo lắng, tự oán trách bản thân mình tại sao không nhảy xuống để cứu, tôi đã cầu cứu mà nhiều người không cứu cháu… và cho là lỗi của mình hay do kiếp trước mình sống không tốt nên bị nghiệp oán…Trước thực tế trên NVCTXH phải kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, cán bộ tâm lý để lý giải cho việc hậu quả đã xẩy ra là vượt quá khả năng trợ giúp của bản thân và cộng đồng. Vậy trách nhiệm của “ thân chủ” là vượt qua sự mất mát để tiếp tục sống, cống hiến cho đời đó là cách tốt nhất để tránh bị ốm đau, bệnh tật. Hay việc cá nhân bị mất khả năng sinh kế ví dụ: họ đang nuôi cá lồng trên sông, chuẩn bị đến mùa thu hoạch, bao nhiêu dự định về nguồn thu từ lồng cá bỗng nhiên mất tất cả. Lúc này họ nghĩ đến việc trả nợ ngân hàng hoặc biết bao giờ mình mới có nguồn lực để vực lại cái mà mình đã có…NVCTXH phải giải thích đó là lý do “ bất khả kháng” nhà nước, chính quyền, ngân hàng sẽ chia sẻ những khó khăn với gia đình bằng cách: cho học nghề khác để chuyển nghề hay dãn nợ cũ, tiếp tục cho vay vốn mới để phát triển sản xuất…
Về phục hồi chức năng lao động
Do thiên tai “ thân chủ” có thể bị tai nạn thì việc khắc phục sự thiếu hụt của cơ thể để tiếp tục lao động. Lúc này NVCTXH phải đồng hành với “ thân chủ” trong quá trình xác định khả năng lao động của cá nhân và gia đình. Kết nối với các cơ quan hữu quan để khắc phục hậu quả cho nạn nhân.
Ví dụ: đối tượng bị cụt chân thì giải pháp đầu tiên là xem cá nhân có thể làm chân giả để đi lại được không ? hay phải đi xe lăn ? và với mức độ khuyết tật đó thì học nghề gì cho phù hợp ? học ở đâu và nguồn kinh phí chi cho hoạt động này do cá nhân tự túc bao nhiêu ? cộng đồng hỗ trợ ? chính quyền…dòng họ của đối tượng và bản thần đối tượng phải tự lo bao nhiêu để đạt mục tiêu là có phương tiện di chuyển, học nghề và hành nghề một cách chủ động phù hợp với sức khỏe và điều kiện của bản thân
Các đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sự biến đổi của khí hậu trên địa bàn Hà Nội cần có sự trợ giúp các dịch vụ công tác xã hội.
Theo số liệu rà soát việc bố trí dân cư vùng thiên tai theo Quyết định số 1776/QĐ – TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố năm 2019. Tính đến tháng 7/2019, trên địa bàn Thành phố có 68 xã, phường với tổng số 43.413 hộ gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong đó, số hộ cần di chuyển trong năm 2019 là 843 hộ; số hộ cần ổn định tại chỗ là 25.062 hộ, số hộ phải di dời do ô nhiễm môi trường là 351 hộ; số hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bới thiên tai nhưng chưa phải di rời tại chỗ là 17.157 hộ. Bên cạnh số đối tượng trên tại các quận, thị xã số đối tượng phải chịu tác động của biến đổi khí hậu như: ngập, úng cục bộ tại các tuyến phố, ô nhiễm môi trường tại các dòng sông, cống thoát nước, điểm thu gom rác thải, vật liệu xây dựng, tắc đường…Tất cả những khó khăn trên có nguyên nhân khách quan do sự biến đổi từ thiên nhiên, trái đất nóng lên, nước biển dâng… nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan do con người gây ra như việc xây dựng các khu đô thị mới, các trung cư, khu công nghiệp, các tuyến đường giao thông thiếu đồng bộ, nhà máy, trường học, bệnh viện chưa phù hợp với quy hoạch đô thị… Tất cả những thay đổi trên đã tác động trực tiếp đến sự biến đổi về môi trường gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, nước thủy lợi, ô nhiễm không khí làm cho sự biến đổi khi hậu thay đổi làm cho cuộc sống người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực do thiên tai gây ra, đặc biệt là các đối tượng “ yếu thế” như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… họ rất cần sự trợ giúp của NVCTXH.
Công tác xã hội với những chức năng cơ bản là: Phòng ngừa, Chữa trị, Phục hồi và Phát triển trong đó chức năng phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên các biện pháp phòng ngừa cũng chỉ có tác động giảm bớt sự rủi ro, tuyệt nhiên không làm mất đi sự rủi ro. Do đó nhân viên CTXH được ví như là Bác sỹ xã hội. Trong xã hội có rất nhiều vấn đề xã hội cần được trợ giúp do đó CTXH có những nhiệm cụ cơ bản là:
1.Nâng cao năng lực, thúc đẩy khả năng tự giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng;
2.Nối kết con người với hệ thống nguồn lực, dịch vụ và những cơ hội trong xã hội;
3. Thúc đẩy sự hoạt động có hiệu quả và tính nhân văn của các hệ thống cung cấp nguồn lực và dịch vụ xã hội;
4. Phát triển và cải thiện chính sách xã hội.
Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong lĩnh vực ứng phó với sự biến đổi khi hậu trên địa bàn Hà Nội, theo cá nhân tôi NVCTXH tại cộng đồng cần thực hiện tốt những nội dung sau:
1.Tăng cường công tác tuyên truyền quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai và biến đổi khỉ hậu.
Tuyên truyền Luật phòng, chống thiên tai và các quy định của Nhà nước, Thành phố liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động phòng chống thiên tai phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ tuyên truyền cho lực lượng thanh niên thì khi thiên tai xẩy ra họ phải là lực lượng đi đầu trong các hoạt động trợ giúp người dân như đưa người già, trẻ em, người khuyết tật đi sơ tán khỏi vùng bị ngập úng…
Tuyên truyền các biện pháp chống và hạn chế về biến đổi khí hậu như hạn chế sử dụng túi nilon. Ngày 23/8/2019, Giám đốc Sở LĐ – TBXH đã có công văn số 2760/SLĐTBXH – VP về việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất tải nhựa cụ thể như sau: Từ ngày 01/9/2019, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở, các đơn vị trực thuộc Sở không sử dụng nước uống đóng chai ( có thể tích 330ml – 500ml) trong công sở khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo…, không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, gia đình. Phát động và thực hiện phong trào “ Chống rác thải nhựa”, “ Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Từ năm 2020 trở đi, phòng Kế hoạch tài chính tham mưu cho lãnh đạo Sở không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan, đơn vị để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị…và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị. Đây chính là hành động thiết thực của toàn Ngành Lao động – TBXH Thành phố nhằm thay đổi thói quen nhỏ nhưng có tác động lớn, tạo sức lan tỏa tạo ra sự thay đổi tích cực , đây cũng chính là vai trò của NVCTXH tại cộng đồng . Việc này tuy nhỏ nhưng tác hại do thói quen này đã gây ô nhiễm môi trường, làm cá chết hàng loạt. Hiện nay vấn đề xử lý rác thải cũng là vấn đến rất lớn, mỗi ngày trên địa bàn toàn Thành phố xả ra môi trường hàng trăm tấn rác thải, các bãi rác xử lý bằng hình thức chôn lấp đã “ quá tải” gây búc xúc cho người dân xung quanh. Tình trạng ngập úng tại các vùng nông thôn, vùng ven đô, các khu đô thị và trên các trục đường giao thông khi trời mưa đã gây ra tình trạng tắc đường cũng gây ô nhiễm môi trường. Những hiện tượng trên chúng ta có thể khắc phục được nếu mỗi người dân cùng chung tay xây dựng môi trường bằng cách thay đổi thói quen trong sinh hoạt hàng ngày như không xả rác bừa bãi, phân loại rác tại nguồn, các rác thải y tế phải được xử lý, quản lý chặt chẽ để tránh phát sinh dịch, bệnh trong cộng đồng.
Thông qua các hoạt động truyền thông NVCTXH cần lòng ghép với việc truyền đạt về kỹ năng ứng phó khi thiên tại xẩy ra nhằm giảm thiệt hại về người, tài sản. Ví dụ: hướng dẫn cho người già là không được đi chơi ra ngoài khi trời mưa to, tuyệt đối không đi vào các vùng bị ngập úng vì dễ bị ngã gây tai nạn thương tích hoặc bị nước lũ cuốn trôi..
2. Kết nối người dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu bằng các kết nối họ tiếp cận với các nguồn lực , dịch vụ trợ giúp xã hội để họ lựa chọn các loại hình dịch vụ phù hợp với sức khỏe, điều kiện kinh tế cá nhân, gia đình giúp họ thay đổi cuộc sống. Ví dụ khi người dân hoặc trường học bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do các lò gạch hay nơi sản xuất các thiệt bị gây tiếng ồn,khói bụi… NVCTXH phải là người chủ động tham mưu với chính quyền, đoàn thề địa phương đề vận động, thuyết phục hoặc kiến nghị di rời khỏi khu vực dân cư với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
3. Điều phối, kết nối và cung cấp các dịch vụ xã hội một cách dân chủ, công khai, minh bạch để mọi người dân cùng giám sát, đồng hành trong quá trình khắc phục các thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Khi thiên tai xẩy ra thảm họa, khẩn cấp như mưa dài ngày, kèm theo gió,lốc sẽ làm cho việc khắc phục khó khăn vượt quá khả năng của chính quyền địa phương. Do đó NVCTXH phải có vai trò kết nối và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để làm công tác cứu trợ. Khi tiếp nhận sự trợ giúp NVCTXH phải lập danh sách cập nhật đơn vị trợ giúp và danh sách các đối tượng đã nhận trợ cấp để tránh bỏ sót hay trùng lặp việc nhận đồ cứu trợ gây “ búc xúc” trong nhân dân. Hiên nay chính quyền các cấp cũng đã dành kinh phí xây đê chống lũ tại huyện Chương Mỹ và cải tạo hệ thống trạm bơm, cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm các hồ…, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho việc khắc phục ngập cục bộ tại các khu vực dân cư ( tùy theo điều kiện ngân sách của các huyện, quận, thị xã) đây là chủ trương rất đúng, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân. Tuy nhiện việc cải tạo ngập, úng thường là nâng đường lên cao, cải tạo hệ thống cống thoát nước do đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi gia đình vì nâng đường sẽ có một số hộ dân phải cải tạo nền nhà, hệ thống bể nước… gây tốn kém về kinh phí, thời gian, thói quen sinh hoạt. Nhưng vì cộng đồng thì họ nhất trí, thậm trí còn hỗ trợ kinh phí, hiến đất… nhưng phải được bàn bạc dân chủ. Khi đã được người dân đồng thuận thì mọi hoạt động tại cộng đồng dân cư nhằm mục tiêu cải tạo môi trường sống như: làm đường thoát nước, cải tạo các tụ điểm tập trung rác thải thành vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, công viên… sẽ phát huy tác dụng.
Hiện nay tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố đã có cán bộ làm công tác Lao động – Thương binh và Xã hội chuyên trách, đây là thuận lợi trong quá trình triển khai các hoạt động CTXH tuy nhiên do lĩnh vực CTXH liên quan đến nhiều lĩnh vực như: bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, bình đảng giới, xóa đói giảm nghèo, an toàn lao động, vệ sinh môi trường… và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các đoàn thể chính trị xã hội và cộng đồng dân cư Do dó trong thời gian tới, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội sẽ tiếp tục tham mưu với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ngành liên quan để bố trí mỗi xã, phường, thị trấn có từ 01 – 02 cộng tác viên CTXH. Đồng thời thành lập các điểm tư vấn, tham vấn, kết nối dịch vụ trợ giúp xã hội tại các khu vực quận, huyện thị xã để tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt là các đối tượng “ yếu thế” được tiếp cận với hệ thống nguồn lực của Nhà nước, Thành phố tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội nói chung và các dịch vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng ngay tại cộng đồng,hạn chế thiệt hại về người, kinh tế – xã hội do biến đổi khi hậu gây ra góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Nguyễn Ngọc Minh
– Tài liệu tham khảo, sử dụng
- – Luật phòng, chống thiên tai
- – Đề cương tuyên truyền kết quả phòng chống thiên tai năm 2018, nhiệm vụ năm 2019;
- – Tài liệu hướng dẫn thực hành ( dành cho cán bộ xã hội cấp cơ sở)
- – Các báo cáo, tài liệu liên quan và các cơ quan báo chí TW, Hà Nội.
- – Ảnh do các phóng viên được sưu tầm trên Internet