TIN TỨC

Đôi nét về Công tác xã hội và hoạt động của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội
Ngày đăng: 2023-03-21 20:48:36

          Công tác xã hội có thể hiểu là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

          Công tác xã hội thúc đẩy sự biến đổi xã hội, tăng cường các mối tương tác hài hòa giữa cá nhân, gia đình và xã hội hướng tới công bằng xã hội.

         Chức năng của Công tác xã hội bao gồm: “phòng ngừa”, “can thiệp”, “phục hồi” và “phát triển”. Qua đó, cá nhân, gia đình và cộng đồng có thể hạn chế rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hoặc khi không may gặp phải khó khăn có thể được tư vấn, tham vấn và trợ giúp để giải quyết triệt để vấn đề, khôi phục lại các chức năng xã hội đã bị suy giảm, đồng thời nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng, phát huy tính chủ động, tạo lập cuộc sống ổn định.

         Công tác xã hội giúp đối tượng không chỉ giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt, mà còn được trang bị kiến thức, kĩ năng để có thể giải quyết vấn đề trong tương lai. Đối tượng của công tác xã hội là cá nhân, gia đình, nhóm người hay cộng đồng đang trong hoàn cảnh khó khăn.

Ảnh: Thứ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Lê Văn Thanh chung vui Trung thu với trẻ em Hà Nội

         Tại Việt Nam, công tác xã hội đã xuất hiện từ thời kỳ Pháp thuộc và ngày càng được hoàn thiện, bao trùm nhiều hơn nhu cầu cơ bản của con người và ngày càng mang tính hội nhập. Công tác xã hội hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Y tế, Giáo dục, Tư pháp, Lao động – Thương binh và Xã hội …

         Với vị trí, vai trò của mình, công tác xã hội trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội khá đa dạng, phong phú với nhiều đối tượng phục vụ khác nhau. Nhiều tỉnh, thành đã thành lập Trung tâm Công tác xã hội nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động công tác xã hội địa phương nhằm nâng cao và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cung cấp dịch vụ công tác xã hội của cộng đồng và xã hội.

         Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội được thành lập ngày 22/12/2021 với chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; tập trung, tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng người lang thang; đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; trẻ bị bỏ rơi; người cao tuổi, trẻ em bị đi lạc gia đình và các đối tượng khác nhau theo quy định; tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội để thực hiện mục đích bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật.

         Mặc dù được thành lập, còn không ít khó khăn, tuy nhiên toàn thể viên chức và người lao động Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

         Trong năm 2022, Trung tâm thực hiện công tác tập trung, tiếp nhận được 380 lượt đối tượng lang thang trên địa bàn Thành phố. Các đối tượng được đưa về nuôi dưỡng, chăm sóc theo đúng chế độ, đảm bảo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe. Hết thời hạn được giải quyết ra hoặc bảo lãnh đúng quy trình, quy định.

Ảnh: Tập trung người lang thang trên địa bàn Thành phố

        Thực hiện công tác tư vấn và trợ giúp, Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin các trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp qua Tổng đài 111 và đường dây nóng, quản lý 621 vụ việc với 681 đối tượng và 6353 lượt tư vấn, hỗ trợ, can thiệp trợ giúp cho 500 vụ việc trẻ em (124 vụ việc với 138 trẻ em bị xâm hại).

         Công tác truyền thông cho cộng đồng được chú trọng với các hoạt động truyền thông, tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em, truyền thông cho người cao tuổi, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em, cùng với đó là hoạt động tư vấn cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh truyền thông trực tiếp, Trung tâm còn đẩy mạnh truyền thông về tổng đài 111 và đường dây nóng trợ giúp khẩn cấp và các hoạt động qua website, fanpage, qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các sự kiện với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, các nhà tài trợ và trẻ em.

         Việc vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được Ban Giám đốc Trung tâm coi trọng, với 10.762.796.114 đồng hỗ trợ 8.466 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động tặng xe đạp, học bổng, đỡ đầu dài hạn… cho trẻ em, các chương trình hỗ trợ cho phụ nữ.

Ảnh: Đồng chí Bạch Liên Hương, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội; đồng chí Kiều Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội; lãnh đạo Phòng Lao động – TB&XH huyện Mỹ Đức trao kinh phí hỗ trợ và quà cho em Nguyễn Viết Cường.

         Có thể thấy, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã và đang thực hiện các hoạt động công tác xã hội ngày càng đa dạng và dần dần chuyên nghiệp hóa. Hy vọng rằng, trong tương lai, cùng với sự phát triển của Thành phố, công tác xã hội ngày càng lớn mạnh và đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Ngô Thị Lục- Trung tâm CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội