TIN TỨC

Hội thảo Tham vấn hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự về phòng, chống xâm hại người chưa thành niên
Ngày đăng: 2023-04-05 10:45:11

           Trẻ em và người chưa thành niên là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội do sự phát triển chưa đầy đủ về mặt tâm lý cũng như thể chất. Chính vì vậy, các đối tượng này cần phải nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội thông qua nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, việc bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo vệ cho họ khỏi các hành vi phạm tội đe doạ và gây tổn hại đến thể chất, tinh thần là việc làm cần thiết. Hiện nay, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên ở nước ta đang thực sự đáng báo động, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, toàn quốc, phát hiện hơn 6.000 vụ việc xâm hại đối với trẻ em và người chưa thành niên, với gần 7.000 đối tượng bị phát hiện và xử lý. Như vậy, việc nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự về tội phạm xâm hại đến thể chất của trẻ em và người chưa thành niên, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp tháo gỡ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, một mặt, góp phần nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung; mặt khác, giúp bảo vệ tốt hơn cho những người yếu thế, tạo điều kiện tốt nhất để các thế hệ tương lai tồn tại và phát triển.

          Ngày 03/4/2023, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam – UNICEF 2022 – 2026 tổ chức Hội thảo “Tham vấn hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự về phòng, chống xâm hại người chưa thành niên”

          Dự Hội thảo có Bà Nguyễn Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính (Bộ Tư pháp); Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc- chuyên gia bảo vệ trẻ em (UNICEF Việt Nam); ông Samuel Juett – điều phối viên cơ quan phòng, chống ma tuý và thực thi pháp luật Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng đại diện các cơ quan Bộ Lao động-TBXH, Bộ Công an, Toà án Nhân dân tối cao, Viện KSND tối cao, Sở Lao động-TBXH, Sở Tư pháp, Toà án ND tỉnh, TT trợ giúp pháp lý, các văn phòng luật sư 16 tỉnh TP, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội.

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính (Bộ Tư pháp) phát biểu tại Hội thảo

           Báo cáo về các chuẩn mực quốc tế bảo vệ người chưa thành niên khỏi mọi hình thức xâm hại nêu rõ: Công ước về Quyền trẻ em quy định các Quốc gia thành viên phải bảo vệ người chưa thành niên khỏi mọi hình thức bạo lực, xâm hại và bóc lột. Để giải quyết xâm hại đối với người chưa thành niên cần có một khung pháp lý toàn diện để: xử phạt mọi hình thức bạo lực, xâm hại đối với người chưa thành niên trong mọi bối cảnh; quy định quy trình hiệu quả và nhạy cảm với người chưa thành niên để xử lý các trường hợp xâm hại người chưa thành niên ở mọi giai đoạn trong quá trình tố tụng hình sự.

          Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung: các tội phạm xâm hại thể chất đối với trẻ em và người chưa thành niên theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015 – một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật; thủ tục tố tụng nhạy cảm đối với trẻ em áp dụng cho người bị hại và người làm chứng chưa thành niên; điều tra thân thiện với nhận nhân là người dưới 18 tuổi; Bảo vệ nạn nhân là trẻ em trong xét xử các vụ án hình sự. Kiến nghị: Quốc hội cần sớm nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó, liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên: Xem xét tăng mức hình phạt đối với các tội xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại hình dục đối với trẻ em; Quy định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm dâm ô người từ đủ 16 tuổi…

Ảnh: Các đại biểu dự Hội thảo

           Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đưa ra một số kiến nghị nhằm tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền của người chưa thành niên như: Quốc hội cần sớm nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 trong đó liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên; xem xét tăng mức hình phạt đối với các tội xâm hại trẻ em, đặc biệt là tội xâm hại tình dục đối với trẻ em; quy định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm dâm ô người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên; hoàn thiện khung hình phạt liên quan đến mại dâm trẻ em để đảm bảo tính răn đe, mở rộng khung hình phạt; quy định về hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm công việc có liên quan đến việc tiếp xúc với trẻ em.

Trịnh Thị Phương – Trung tâm CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội