GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP
Visit Today : 77 |
Total Visit : 1396232 |
Hits Today : 550 |
Who's Online : 1 |
TIN TỨC
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nguồn nhân lực của đất nước. Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là với nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em gặp khó khăn, yếu thế luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan để hỗ trợ, trợ giúp.
Theo thống kê đến cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 1,94 triệu trẻ em, trong đó có 14.321 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 32.452, trong đó có 23.880 trẻ em sống trong các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, ngoài ra còn rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Nhận thức rõ được vai trò của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hằng năm, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội luôn quan tâm, tổ chức các hoạt động can thiệp, trợ giúp, trang bị kiến thức, kỹ năng sống v.v.. cho trẻ em. Một trong những hoạt động nổi bật là hoạt động tư vấn, tham vấn trực tiếp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng.
Thực hiện chương trình công tác năm 2023, từ ngày 18/5/2023 đến 5/6/2023, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em đã phối hợp với Phòng Lao động – TB&XH các huyện: Gia Lâm, Mỹ Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ứng Hoà triển khai tổ chức 20 cuộc tư vấn, tham vấn, quản lý ca cho 300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn.
Ảnh: Nhân viên Trung tâm tư vấn, tham vấn cho trẻ em tại huyện Phúc Thọ
Trẻ em tham gia hoạt động tư vấn, tham vấn là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ ly hôn, cha hoặc mẹ đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội, cha hoặc mẹ đang chấp hành án tù tại trại giam, gia đình đông con v.v.. Hoàn cảnh gia đình đã ảnh hưởng một phần đến tinh thần, tâm lý của các trẻ, khiến trẻ rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin, có những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo lắng, giận dữ. Thông qua trò chuyện, động viên, chia sẻ, nhân viên Trung tâm đã giúp các trẻ tự tin, giải toả và ổn định tâm lý hơn. Từ đó, mạnh dạn chia sẻ thông tin, các vấn đề đang gặp phải trong gia đình, học tập, cuộc sống, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của bản thân. Nhân viên Trung tâm thực hiện tư vấn, tham vấn, cùng trẻ nhìn nhận vấn đề và nâng cao khả năng tự giải quyết. Đồng thời, các trẻ được trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan đến phòng, chống xâm hại, bạo lực tại gia đình, học đường, cộng đồng và xâm hại qua môi trường mạng; phòng chống tai nạn thương tích và cung cấp số điện thoại, địa chỉ tin cậy trợ giúp khi trẻ gặp vấn đề,… nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ bản thân trước những nguy cơ nguy hiểm. Sau đó, nhân viên Trung tâm tiếp tục giữ mối liên hệ với các trẻ để tiếp tục tư vấn, tham vấn qua điện thoại.
Ảnh: Nhân viên Trung tâm tư vấn, tham vấn cho trẻ em tại huyện Mỹ Đức
Một trong những trường hợp trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tham gia hoạt động là em Đ.A.D trú tại huyện Thạch Thất. Bố em đang chấp hành án tù tại trại giam do phạm tội liên quan đến bạo lực gia đình, mẹ em là người khuyết tật đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng tại địa phương, bố mẹ đã ly hôn, em và chị gái sống cùng mẹ tại nhà ông bà ngoại. Khi mới tiếp xúc, em e dè, ngại ngùng khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình, đâu đó em vẫn còn cảm xúc giận bố vì đã bạo hành mẹ. Nhân viên Trung tâm đã động viên, chia sẻ, giúp em thoải mái tinh thần, ổn định cảm xúc, cởi mở trò chuyện. Quá trình trò chuyện, em chia sẻ về kết quả học tập, mối quan hệ bạn bè, gia đình, những băn khoăn, mong muốn đạt được… Nhân viên tư vấn, tham vấn các nội dung em chia sẻ, khen ngợi thành tích học tập và khích lệ những việc em làm tốt, đồng thời giúp em thấy được nhược điểm của bản thân để sửa đổi; trang bị cho em biện pháp xử lý khi bị bạn bè trêu chọc, trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, phòng chống tai nạn thương tích. Kết thúc buổi nói chuyện, em vui vẻ, tự tin hơn, nhìn nhận các vấn đề đang gặp phải và định hướng cách giải quyết, có kỹ năng bảo vệ bản thân.
Ảnh: Nhân viên Trung tâm tư vấn, tham vấn cho trẻ em tại huyện Thạch Thất
Hoạt động tư vấn, tham vấn trực tiếp tại cộng đồng là hoạt động thiết thực đối với trẻ em, trợ giúp trẻ giải quyết vấn đề và phòng ngừa, đảm bảo trẻ được sống trong môi trường an toàn, góp phần giảm thiểu trẻ em tiếp tục rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Kết thúc hoạt động, chính quyền địa phương, đoàn thể đánh giá cao kết quả đạt được, đề xuất với Trung tâm tiếp tục triển khai nhiều hoạt động phối hợp để người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ công tác xã hội. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp, trợ giúp, trang bị kiến thức, kỹ năng sống v.v.. cho trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đặng Thị Mai – TT CTXH và QBTTE Hà Nội
CÁC TIN KHÁC:
- Tập huấn kỹ năng tư vấn, tham vấn cho viên chức, người lao động Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em
- Tập huấn về “Quy trình phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em; trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em”
- Hội thảo tham vấn Xây dựng hướng dẫn mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp
- Chương trình Họp chuyên đề tổng kết và lập kế hoạch chương trình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn – Holt Việt Nam