TIN TỨC

Toạ đàm "Thách thức và Giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục"
Ngày đăng: 2023-10-26 22:03:39

         Trước thực trạng, trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng phức tạp, đối tượng xâm hại trẻ không chỉ người những người xa lạ mà đa số lại là những người quen thậm là người thân trong gia đình như cha đẻ, cha dượng, cậu,…. Ngày 26/10/2023, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Thách thức và Giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục”. Tham dự buổi tọa đàm có bà Giang Thị Thu Thuỷ – Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam; Tổ chức Rồng Xanh, ChildFund Việt Nam, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh Quảng Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội.

         Báo cáo tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thuận Hải – Trưởng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Tổng đài tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến. Trong đó, có 92 trường hợp có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp về xâm hại tình dục. Đáng lưu ý, chỉ trong 9 tháng đầu năm đã có 83 trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục. Bà Hải cũng nhấn mạnh, trong số 467 ca xâm hại tình dục (chiếm 14,3% tổng số ca hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài), có 440 ca xâm hại tình dục trẻ em với 442 nạn nhân (426 trẻ em nữ và 16 trẻ em nam). Trong số 442 trẻ em bị xâm hại tình dục, có 257 trẻ em bị hiếp dâm (58,1%), 141 trẻ em bị dâm ô (31,9%); 43 trẻ em bị giao cấu (9,7%) và 01 trẻ em bị cưỡng dâm (0,2%). Bà Hải cho biết, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng xảy ra gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, có những vụ trẻ em còn rất nhỏ đã bị xâm hại tình dục (14 trẻ em từ 0 đến 3 tuổi, 33 trẻ em từ 4-6 tuổi); điển hình như trường hợp bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị xâm hại dẫn đến tử vong; bé gái 2 tuổi ở Bình Thuận bị xâm hại tình dục bởi người quen của gia đình. Có tới 28,2% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người thân của trẻ.

         Theo bà Hải, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội cũng làm gia tăng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em qua môi trường mạng. Vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn có vướng mắc, bất cập; việc xác minh, xác định các vụ việc còn chậm dẫn đến việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ không kịp thời và gặp nhiều khó khăn.

Ảnh: Bà Nguyễn Thuận Hải – Trưởng Tổng đài quốc gia 111 trình bày báo cáo

         Cũng tại buổi Tọa đàm, bà Trần Thanh Huyền – Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái hiện có 255.164 trẻ em dưới 16 tuổi, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 4.932 trẻ. Trong 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 vụ xâm hại trẻ em (trong đó 11 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục) chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo bà Huyền, sự chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị khiến cho trẻ em thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em là người dân tộc thiểu số. Đáng ngại hơn đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị xâm hại tình dục đối diện rất nhiều khó khăn: các em, thậm chí cả cha mẹ các em không nói được tiếng phổ thông, nên quá trình hỗ trợ tâm lý hoặc cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em gặp trở ngại. Vì vậy, bà Huyền cho rằng muốn giảm thiểu thấp nhất trẻ em vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị xâm hại tình dục, thì cần có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các đoàn thể với các cơ quan chức năng; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về xâm hại tình dục và Luật pháp liên quan.

         Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm bà Tô Thị Hạnh – Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam đã trình bày “Ứng dụng hiểu biết về sang chấn tâm lý trong hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục”. Theo bà Hạnh trẻ em bị xâm hại tình dục phải chịu những tác động lâu dài cả về thể chất, tinh thần, học tập và các mối quan hệ gia đình, xã hội. Trẻ trải qua xâm hại tình dục có nguy cơ tăng gấp 2-3 lần tái trở thành nạn nhân khi trưởng thành. Chính vì vậy việc hỗ trợ trẻ dựa trên hiểu biết về sang chấn (TIC) là cách tiếp cận dựa trên điểm mạnh và dựa trên cơ sở hiểu biết về sự tác động của sang chấn để từ đó có những ứng xử, tương tác mang tính an toàn về thể chất, cảm xúc, tâm lý – xã hội cho cả người sử dụng và cung cấp hỗ trợ; đồng thời tạo ra cơ hội tái thiết cảm giác kiểm soát và tự chủ.

Ảnh: Bà Tô Thị Hạnh – Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam trình bày báo cáo

         Bên cạnh 03 bài tham luận, báo cáo, tại buổi Tọa đàm, các khách mời thảo luận nhóm về những thách thức và giải pháp trong hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục, như: thách thức và giải pháp trong phối hợp liên ngành tại địa phương, trong lĩnh vực pháp lý, trong việc tiếp cận hỗ trợ các vấn đề tâm lý – xã hội cho trẻ, gia đình và các bên liên quan (trường học, y tế,…); trong việc giảm thiểu định kiến và kỳ thị của cộng đồng đối với trẻ; trong phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ; trong việc đưa tin trẻ bị xâm hại tình dục đảm bảo có tính hàn gắn sang chấn cho trẻ
* Một số hình ảnh tại buổi Toạ đàm

Ảnh: Thảo luận nhóm

Ảnh: Trình bày thảo luận nhóm

Ảnh: Quang cảnh buổi Tọa đàm “Thách thức và Giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục”

Hoàng Hạnh Tâm – TT CTXH và QBTTE Hà Nội