TIN TỨC

Hội thảo tham vấn chuyên gia pháp luật về: Tranh chấp quyền chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; Hạn chế quyền làm cha mẹ; Giáo dục trẻ em hư
Ngày đăng: 2023-11-12 18:01:42

         Trẻ em là tương lai của đất nước, là đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi hình thành nhân cách của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, tinh thần, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng là trách nhiệm của toàn xã hội mà trước hết phải là trách nhiệm của gia đình. Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, ngày 11/11/2023, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em tổ chức buổi Hội thảo “tham vấn chuyên gia pháp luật về: Tranh chấp quyền chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; Hạn chế quyền làm cha mẹ; Giáo dục trẻ em hư” từ đó có những hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em.

         Tham dự buổi Hội thảo có bà Nguyễn Thuận Hải – Trưởng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, nhân viên tư vấn của Tổng đài 111 tại Hà Nội, An Giang, Đà Nẵng, đại diện tổ chức ChildFund Việt Nam, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. Buổi Hội thảo được hai chuyên gia là TS. Nguyễn Văn Oanh (Bộ công an), Luật sư Ngô Thị Hồng Liên (Hội Luật gia Hà Nội) hỗ trợ, giải đáp những vấn đề liên quan đến pháp luật trong quá trình tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em và gia đình trẻ.

Ảnh: Bà Nguyễn Thuận Hải phát biểu khai mạc

         Liên quan đến vấn đề giáo dục nhóm trẻ dưới 16 tuổi có những hành vi vi phạm pháp luật tại cộng đồng hiện nay (trẻ em hư). Trong những năm qua, công tác quản lý, giáo dục trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế sự gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Tại buổi hội thảo, TS. Nguyễn Văn Oanh đã có những chia sẻ về vấn đề giáo dục trẻ em hư tại cộng đồng hiện nay như thế nào để vừa đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để cho các em có cơ hội để sửa sai và làm lại cuộc đời. Chính vì vậy, việc xử lý nhóm trẻ em dưới 16 tuổi có những vi phạm pháp luật cần phải đảm bảo có người giám hộ. Bên cạnh đó,  các nhân viên tư vấn chia sẻ về những trường hợp cụ thể đang can thiệp, trợ giúp có vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý và được TS. Oanh giải đáp một cách cụ thể, chi tiết; qua đó giúp các nhân viên tư vấn hiểu hơn về những quy định của pháp luật trong trợ giúp nhóm trẻ em này.

Ảnh: TS. Nguyễn Văn Oanh hướng dẫn tại buổi thảo

         Cũng tại hội thảo, Luật sư Ngô Thị Hồng Liên có những chia sẻ vấn đề liên quan đến tranh chấp quyền chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khi bố mẹ ly hôn. Khi cha mẹ ly hôn, việc quyết định người nào nuôi con sẽ do cha, mẹ tự thoả thuận với nhau. Và Tòa án sẽ giải quyết trong trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc có nhưng không thoả thuận được với nhau. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: (1) Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của pháp luật. (2) Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. (3) Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Như vậy, quyết định của Tòa án sẽ dựa trên các yếu tố như nguyện vọng của con (nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên) và khả năng của mỗi bên để trông nom, chăm sóc và nuôi dưỡng con. Lúc này người  không trực tiếp nuôi dưỡng con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, luật sư Liên cũng hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ và địa chỉ nhận đơn khởi kiện trong trường hợp hai bên không tự giải quyết được với nhau.

Ảnh: Luật sư Ngô Thi Hồng Liên hướng dẫn tại Hội thảo

          Cũng trong khuôn khổ của buổi hội thảo, nhân viên tư vấn của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng có chia sẻ về một trường hợp cụ thể liên quan đến vấn đề hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, các trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, để các đại biểu tham dự cùng nhau thảo luận, chia sẻ về những khó khăn trong quá trình hỗ trợ can thiệp trẻ. Qua đó xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia pháp luật trong quá trình can thiệp, trợ giúp.

Ảnh: Đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

         Kết thúc buổi Hội thảo, bà Nguyễn Thuận Hải mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các chuyên gia về vấn đề pháp lý trong trợ giúp các đối tượng nói chung và đối tượng trẻ em nói riêng để công tác can thiệp, trợ giúp đạt hiệu quả tốt hơn.

          Hoàng Hạnh Tâm – TT CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội