GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP







![]() |
![]() |
![]() |
![]() |

TIN TỨC
Gương mẫu, trách nhiệm, đó là hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Hải – người Đội trưởng Đội trật tự xã hội lưu động, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội. Thế nhưng, các đồng chí công an, cán bộ lao động, cán bộ các khu danh lanh thắng cảnh, … đều dí dỏm gọi và lưu danh bạ điện thoại bằng cái tên “Hải lang thang”, bởi lẽ anh là người đội trưởng đội “đặc nhiệm” giúp Hà Nội giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền. Công tác trong ngành Lao động-Thương binh và Xã hội từ năm 2010, đến nay đã 14 năm làm việc và cống hiến trong màu áo xanh công tác xã hội. 14 năm này của đồng chí Hải gắn liền với công tác giải quyết người lang thang, trong đó 10 năm với vai trò là người Đội trưởng Đội trật tự xã hội – đội “đặc nhiệm” giải quyết người lang thang.
Đội “đặc nhiệm” giúp Thủ đô giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền
16h chiều, dưới cái nắng nóng oi bức của ngày hè, len lỏi giữa dòng xe cộ tấp nập đang dừng đèn đỏ là bóng dáng của một bà cụ trên tay cầm chiếc rổ nhỏ, ngước nhìn mọi người bằng ánh mắt đầy thương cảm, lưng khom khom, gật đầu cảm ơn khi được một ai đó rút ví bỏ tiền vào rổ. Hết nhịp chờ đèn đỏ, dòng xe lại bíp còi inh ỏi, xả khói và chầm chậm lao về phía trước, sau lưng họ là bà cụ đang ngồi nghỉ trên vỉa hè, đưa tay áo lau lau những dòng mồ hôi trên mặt. Đến nhịp chờ đèn đỏ tiếp theo, bà cụ lại lật đật đứng lên lặp lại hành động như nhịp đèn đỏ trước.
Ảnh: Đối tượng lang thang xin tiền
Anh Hải cùng 2 đồng chí nhân viên Đội trật tự xã hội nhẹ nhàng tiếp cận bà cụ, hỏi thăm và mời cụ lên xe về trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em. Bà cụ vừa đi lên xe vừa nói liên hồi, tiếng nói của cụ xen lẫn tiếng nấc, mồ hôi của cụ giờ lại hòa vào những giọt nước mắt: “bà khổ lắm các chú ơi”. Anh Hải vừa đỡ cụ lên xe vừa động viên “cụ yên tâm nhé, chúng cháu sẽ hỗ trợ cụ”.
Ảnh: Anh Hải đưa đối tượng lên xe đưa về Trung tâm CTXH&QBTTE
Anh Hải chia sẻ: Đội Trật tự xã hội lưu động của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội là một trong 03 đội được giao tập trung, tiếp nhận những người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội, phụ trách 10 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên), 4 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn). Hàng ngày, Đội phân công 3 ca, đi rà soát, kiểm tra từ 7 giờ đến 22 giờ, kể cả thứ Bảy, Chủ Nhật, ngày Lễ, Tết. Cùng với đó, Đội luôn có cán bộ trực 24/7 để sẵn sàng tiếp nhận người lang thang do các xã, phường, thị trấn, khu di tích, danh lam thắng cảnh tập trung để đưa về Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong khi chia sẻ, anh Hải không giấu được niềm tự hào vì Đội của mình vừa góp phần nho nhỏ vào công tác an sinh xã hội của Thủ đô, vừa góp phần giữ gìn hình ảnh Thủ đô trong mắt nhân dân và bạn bè quốc tế.
Niềm vui khi được giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh
Hơn 14 năm trong nghề, niềm vui của anh Hải và đồng nghiệp trong Đội trật tự xã hội là giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Vẫn xoay quanh câu chuyện tập trung người lang thang, nhưng hướng mắt nhìn xa xăm nơi góc khuôn viên Trung tâm, lặng im một lúc, anh Hải bắt đầu chia sẻ một câu chuyện mà anh nhớ mãi: Ngày rằm tháng Giêng năm 2024, thời tiết Hà Nội tiếp tục rét hại, nhiệt độ có khi xuống dưới 100C. Tại cổng chùa Quán Sứ, giữa dòng người đi chùa đầu xuân là hình ảnh một người phụ nữ mặc chiếc áo phao mỏng trùm mũ kín đầu, đeo khẩu trang chỉ hở mỗi đôi mắt ngấn lệ đang ngồi co ro, tay trái bế đứa con nhỏ khoảng 2 tuổi, tay phải chìa ra xin tiền. Khi a Hải tiến lại gần hỏi thăm thì chị chia sẻ: chị tên là D.T.N sinh năm 1983 quê ở Hải Phòng, 2 cháu nhỏ con của chị, một cháu sinh năm 2020 và một cháu sinh năm 2022. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái nheo nhóc, không có tiền nên 2 vợ chồng chị thường xuyên cãi vã. Lần này chồng chị không chỉ to tiếng mà còn dọa nạt, động tay động chân với chị. Chị quyết định bỏ nhà lên Hà Nội. Lên Hà Nội được gần 1 tháng, nhưng không xin được việc, chi phí sinh hoạt không có, không nơi ăn chỗ ngủ, lại không người thân thích nên mấy hôm nay chị ra chùa ăn mày cửa phật, xin tiền nuôi các con.
Anh Hải và các anh em ở Đội trật tự xã hội sau khi nghe chị chia sẻ đã mời và đưa 3 mẹ con chị N về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. Trong những ngày ở Trung tâm, do được các nhân viên công tác xã hội tham vấn, tư vấn mà chị N nhận ra điều chưa hợp lý trong suy nghĩ và cách xử lý vấn đề của mình; chị chia sẻ sẽ không để vì mình mà 2 con phải đi lang thang đầu đường góc chợ, chị đưa 2 con về quê tiếp tục kinh doanh hàng cháo sườn. Chia sẻ xong câu chuyện mà anh Hải không giấu được những giọt nước mắt. Có lẽ đó là giọt nước mắt hạnh phúc.
Ảnh: Đối tượng lang thang xin tiền tại cổng chùa Quán Sứ
Giờ không chỉ người nghèo mới đi xin ăn, xin tiền mà xin ăn, xin tiền đã trở thành một nghề
“Ăn xin giờ thành một nghề rồi, trên 70% người đi xin ăn đều có dấu hiệu bị bảo kê chăn dắt” – anh Hải chia sẻ và nói thêm: Hình ảnh những người già, em nhỏ hay những chiếc xe đẩy người khuyết tật xin ăn, xin tiền tại các ngã ba, ngã tư, khu vực chợ, quán cà phê, nhà hàng, … không phải là khó thấy ở Hà Nội. Phía sau hình ảnh ấy là một mạng lưới tinh vi của những kẻ bao nuôi cùng thỏa thuận “ngầm” giữa họ. Qua công tác tham vấn, tư vấn, nhiều trường hợp người khuyết tật sau khi được tập trung đưa về Trung tâm cho biết: họ được đối tượng bảo kê thuê nhà trọ, nuôi ăn 3 bữa, chuẩn bị sẵn bông tăm, loa phát nhạc. Hàng ngày, bảo kê chở họ đến các khu vực chợ dân sinh, ngã ba, ngã tư, … để xin tiền. Toàn bộ số tiền kiếm được bảo kê sẽ giữ hết và trả “lương” hàng tháng.
Những đối tượng bảo kê này vô cùng manh động và liều lĩnh” – anh Hải cho biết. Nhiều lần trong lúc tiến hành tập trung người lang thang xin tiền, Hải và anh em của Đội trật tự xã hội đã bị các đối tượng bảo kê uy hiếp, dùng gậy, búa, thậm chí cả dao để tấn công, thách thức, gây áp lực nhằm cản trở công tác tập trung.
“Anh sợ không?” tôi hỏi và nhận lại từ anh là một nụ cười rất sảng khoái: “run thì cũng phải làm chứ biết làm sao, nghề nó thế, tôi có duyên có nợ với nghề này rồi nên cũng.Tôi hỏi tiếp: “thế duyên nợ với nghề này có làm vợ anh ghen không?”. Anh Hải gãi đầu và bắt đầu kể. Vợ anh ngày xưa cũng khó chịu, cằn nhằn ghê lắm, vì trăm ngàn lý do khác nhau: nào là càng dịp Lễ, Tết thì anh lại càng phải đi đêm hôm sớm tối, không có cái Tết nào anh dành trọn vẹn cho vợ con; hay là hồi con còn bé, đang đêm ngủ, anh em điện thoại báo về thông tin người lang thang cần xử lý làm em bé giật mình tỉnh giấc khóc, … Dần dần vợ anh mới hiểu, thông cảm và trở thành hậu phương vững chắc cho anh tiếp tục cống hiến với nghề mà mình bén duyên.
Ảnh: Ánh Hải tham vấn, tư vấn cho đối tượng
Trong suốt 14 năm kể từ ngày gắn bó với màu áo xanh công tác xã hội, “Hải lang thang” đã lao động, cống hiến, góp phần xây dựng và phát triển Đội trật tự xã hội trở thành đội “đặc nhiệm” giải quyết người lang thang của Thành phố, đạt được nhiều thành tích nổi bật, được sự ghi nhận, đánh giá cao của các cấp lãnh đạo; năm 2020 tập thể Đội vinh dự được nhận bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố vì đã có thành tích trong công tác phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Năm 2022, Đội trật tự xã hội tập trung và tiếp nhận 398 đối tượng, năm 2023 là 504 đối tượng lang thang. Nhiều năm liền tập thể Đội trật tự xã hội được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khen tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc”. Những thành tích này đều có dấu ấn rõ nét của “Hải lang thang” – người Đội trưởng hàng năm đều đạt hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong năm 2023 anh Hải được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội công nhận là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
Trước khi dừng cuộc trao đổi, điều anh Hải mong muốn là bản thân anh nói riêng, Đội trật tự xã hội của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em nói chung sẽ ngày càng có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác giải quyết tình trạng người lang thang, hi vọng Thủ đô thân yêu sớm trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Nguyễn Kim Hiển – TTCTXH và Quỹ BTTE Hà Nội
CÁC TIN KHÁC:
- Cắt tóc cho người lang thang đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội
- Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội làm việc với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Ba Đình về công tác phối hợp kiểm tra, tập trung người lang thang
- Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đưa người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 về Trung tâm để chăm sóc, nuôi dưỡng
- Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao đón Tết cho người lang thang tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội