TIN TỨC

Chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28 tháng 6 năm 2018 GIA ĐÌNH - ĐIỂM TỰA YÊU THƯƠNG
Ngày đăng: 2022-06-30 09:49:17

Ngày 04 tháng 5 năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ – TTg lấy ngày 28 tháng 6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gia đình là tế bào của xã hội, do đó mỗi một quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải quan tâm đến cuộc sống của mỗi gia đình. Nhiều gia đình tốt thì xã hội mới phát triển tốt, ngược lại nếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hạn chế, đây là nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, bệnh tật, thất học… thì sự phát triển sẽ không đạt mục tiêu là gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Gia đình có chức năng rất quan trọng là duy trì nòi giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em trở thành những công dân có ích cho xã hội. Để có điều kiện nuôi dạy con tốt, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình phải lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… và làm những công việc được pháp luật cho phép để tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân người lao động và gia đình họ nhằm đảm bảo các điều kiện về vật chất để nuôi sống trẻ, đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, được học tập, nuôi dưỡng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình. Các gia đình phải thường xuyên liên hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để được hướng dẫn, trợ giúp trong quá trình thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em để trẻ được sống, học tập, rèn luyện, lao động và trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Ngày Gia đình Việt Nam năm 2018 với chủ đề : “ GIA ĐÌNH – ĐIỂM TỰA YÊU THƯƠNG”  chính là dịp để mỗi thành viên trong gia đình nâng cao trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ gia đình theo các quy định của pháp luật. Trong mỗi gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực, truyền thống gia đình khác nhau, chính truyền thống gia đình đã tạo động lực cho các thành viên trong gia đình phấn đấu, rèn luyện, học tập góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc như: truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, bất khuất kiên cường trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc. Phát huy truyền thống gia đình, sự nỗ lực phấn đấu rèn luyện của bản thân và sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước, các tổ chức quốc tế, nhiều người dân Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đã có những thành tích xuất sắc trong nhiều lĩnh vực mang lại vẻ vang cho dân tộc như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Văn Hiệu, Hoàng Tụy, Đặng Vũ Minh, Ngô Bảo Châu, Nguyễn Sơn Bình, Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Thục Quyên, Đặng Thái Sơn, Hoàng Xuân Vinh… đặc biệt năm 2018 có 2 giáo sư Việt Nam được vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học Châu Á là Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam ( Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và Phó Giáo sư Nguyên Sum ( Đại học Quy Nhơn)… và rất nhiều các cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực y học, giáo dục, lao động, sản xuất kinh doanh, phòng chống tội phạm…

 

Ngày nay khi điều kiện kinh tế xã hội đã có những thay đổi rất lớn về cơ cấu kinh tế – xã hội với nhiều thành phần sở hữu khác nhau như: kinh tế liên doanh, liên kết với nước ngoài, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, y tế, giáo dục tư nhân…đây cũng là yếu tố tạo ra sự thay đổi về kết cấu gia đình truyền thống. Trong thực tế, nhiều gia đình đã có xung đột về nhu cầu ăn, uống, người già thích ăn rau, ăn nhạt.. lớp trẻ thích ăn nhiều thịt, bơ, các thức ăn giàu chất đạm… nhu cầu thưởng thức văn hóa cũng khác nhau, cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo truyền thống cũng thay đổi cho phù hợp với nhịp sống hiện đại của con, cháu, nên dẫn đến tình trạng nhiều ông, bà mâu thuẫn với con dâu, con rể…Một số người già có điều kiện kinh tế cũng muốn tách ra sống riêng hoặc vào nhà dưỡng lão vì không phù hợp với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại. Những thay đổi trong cấu trúc và quan hệ gia đình là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường có sự tác động của khoa học và công nghệ, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn luôn tồn tại đó là duy trì nòi giống, chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục con, cháu là những nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công của mỗi cá nhân.

Gia đình là nơi có những người yêu quý nhất, thân thiết nhất của mỗi người, đó là bố, mẹ, ông, bà…những người đã có công sinh thành và chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục mỗi người trưởng thành. Gia đình là nơi ta có thể trở về khi ta thành công hay khi ta thất bại vì cha, mẹ, ông, bà, chú, bác…. không bao giờ “ bỏ rơi” con, cháu trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Thực tế đã có bà mẹ biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, đã tự nguyện không chữa bệnh bằng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con. Gia đình luôn chào đón con, cháu trở về bất cứ lúc nào ta muốn, dù có đi xa bao lâu và cả khi trở về già thì cũng là nơi mọi thành viên trong gia đình luôn rất gần gũi với mỗi người. Ngày Gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là dịp để mỗi thành viên trong gia đình quan tâm, chia sẻ với nhau nhiều hơn về thuận lợi, khó khăn trong cuộc sống, trong các mối quan hệ xã hội.., những dự định trong hiện tại, tương lai để có những quyết định phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội tích cực góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc./.

 

 Nguyễn Ngọc Minh

 

Tài liệu tham khảo

– Quyết định số 72/2001/QĐ – TTg;

– Ảnh và một số thông tin trên mạng Internet.