TIN TỨC

Có nên cho tiền người ăn xin
Ngày đăng: 2024-07-29 09:53:05

      Dạo quanh các tuyến phố, các chợ, bến xe, các ngã tư đường có đèn tín hiệu giao thông…. hình ảnh người ăn xin ngửa tay xin tiền, lợi dụng bán hàng để xin tiền người đi đường không còn lạ lẫm với người dân ở nhiều tỉnh thành, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Nhiều người trong số chúng ta cũng ít nhất một lần giúp đỡ họ.

      Tuy nhiên, hành động cho tiền người ăn xin đang gây ra nhiều tranh luận và cần cân nhắc kỹ lưỡng. Tình trạng người ăn xin thường gặp trong đời sống đô thị đã đưa ra những vấn đề đáng quan tâm về đạo đức, hiệu quả và tầm quan trọng của việc hỗ trợ trong xã hội ngày nay.

Ảnh: Người lang thang xin tiền.

      Người ăn xin mà chúng ta thường gặp là người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật, thậm chí có những người mang trên mình những căn bệnh quái ác khiến thân thể biến dạng như: u bướu, lở loét, chảy mủ, hoại tử….. Thật khó có thể làm ngơ trước những hoàn cảnh như thế. Ngoài việc giúp người ăn xin vượt qua khó khăn, việc làm này còn đem đến cho chúng ta niềm hạnh phúc nho nhỏ vì đãgiúp được người khốn khó. Đó còn thể hiện truyền thống nhân ái “Lá lành đùm lá rách” của người Việt.

       Anh Minh, tiểu thương buôn bán ở chợ Nghĩa Tân quận Cầu Giấy –  Hà Nội chia sẻ: Hơn 20 năm buôn bán ở chợ, anh thấy rất nhiều người ăn xin với các diện dạng khác nhau, từ những người khuyết tật bò lê bò lết đến những người khoẻ mạnh đi xin cũng nhiều. Phần lớn họ được xe ôm chở đến đầu chợ, đi xin một vòng rồi lại ra xe ôm chở đi. Chỉ những người mà anh nhìn thực sự đáng thương thì anh mới cho tiền.

       Chị Oanh ở Sóc Sơn Hà Nội chia sẻ: Chị hay thấy nhiều người ăn xin và những người kết hợp bán hàng xin tiền ở các chợ, nhìn họ rất đáng thương nhưng quan điểm của chị là chỉ cho đồ ăn, không cho tiền. Và thường khi chị hỏi họ có cần đồ ăn không thì họ từ chối.

       Xét về tính nhân văn,tình yêu thương luôn tồn tại trong trái tim mỗi người nên việc chia sẻ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là chuyện nên làm. Tuy nhiên từ góc nhìn xã hội, việc cho tiền người ăn xin có thể có tác động không mong muốn đến cộng đồng và xã hội nói chung. Việc cho tiền thường xuyên có thể tạo ra hiện tượng phụ thuộc; khuyến khích hành vi ăn xin mà không khuyến khích họ tìm giải pháp tự lực để cải thiện tình cảnh của mình dẫn đến không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của sự nghèo đói.

Ảnh: Người lang thang xin tiền tại ngã ba Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng

      Mặt khác, với lợi nhuận từ nghề ăn xin nhiều đối tượng đã xác định đây là một “nghề” để mang lại thu nhập. Báo chí đã nhiều lần phanh phui các đối tượng lang thang xin ăn, xin tiền, nhiều đối tượng thanh niên mạnh khoẻ đóng giả ông già, người khuyết tật để đi ăn xin rồi các đường dây chăn dắt ăn xin để trục lợi. Các đối tượng chăn dắt thường sử dụng người già, khuyết tật, trẻ em thành “phương tiện” kiếm tiền dựa vào lòng nhân ái, thương hại của cộng đồng. Nhiều đối tượng ăn xin còn phân chia địa bàn, tranh giành địa bàn hoạt động, gây mất mỹ quan và an ninh trật tự.

      Để không ai bị bỏ lại phía sau,Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi thực hiện chính sách trợ giúp xã hội là một nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển. Các đối tượng yếu thế của xã hội như người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa… đều được nhà nước hỗ trợ với các chính sách khác nhau như trợ cấp xã hội hàng tháng, miễn giảm về giáo dục, chăm sóc y tế, đào tạo nghề… Các đối tượng lang thang thì được đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội để quản lý nuôi dưỡng.

      Tại Thủ đô Hà Nội, công tác giải quyết người langthang rất được quan tâm và thực hiện quyết liệt. Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nộilà một trong ba đơn vị được giao nhiệm vụphụ trách tập trung, tiếp nhận người lang thang trên địa bàn 14 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn.Hàng năm, Độitrật tự xã hội lưu động của Trung tâm đã tập trung, tiếp nhận từ 450 đến 550 lượt đối tượng. Các đối tượng khi vào Trung tâm sẽ được phân loại, quản lý chăm sóc và nuôi dưỡng, được tuyên truyền giáo dục, tham vấn tư vấn, hướng nghiệp đào tạo nghề để hạn chế tái lang thang.

Ảnh: Đội trật tự xã hội lưu động tập trung người lang thang xin tiền.

      Anh Nguyễn Văn Hải – công tác tại Đội trật tự xã hội lưu động – Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội chia sẻ: “Ăn xin giờ đã thành một nghề rồi, trên 70% các đối tượng đi ăn xin đều có dấu hiệu bị bảo kê, chăn dắt. Để tránh bị tập trung vào các cơ sở trợ giúp xã hội, các đối tượng ăn xin đã tham gia vào các nhóm để được bảo kê, chăn dắt, được đánh động, đưa đi đón về. Giữa người ăn xin và người bảo kê chăn dắt đã có những hợp đồng lao động, thoả thuận hợp tác. Nếu không may người ăn xin bị tập trung vào các cơ sở trợ giúp thì người nhà vẫn còn được nhận lương hàng tháng”.

Ảnh: Đối tượng tham gia học nghề gấp túi giấy tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội.

      Trước hoạt động biến tướng của nghề “ăn xin”, chúng ta cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho tiền người ăn xin. Mọi người cần thể hiện lòng tốt của mình đúng địa chỉ thông qua các kênh của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức “người thật, việc thật”. Khi thấy người lang thang nói chung và người lang thang có hành vi xin ăn, xin tiền nói riêng. Các tổ chức và cá nhân có thể gọi đến số máy trực 24/24h của Đội trật tự xã hội lưu động: 0386390809 để phản ánh. Cùng chung tay giải quyết tốt công tác tập trung người lang thang chính là góp phần giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị, giữ gìn hình ảnh Thủ đô Hà Nội đẹp hơn, văn minh thân thiện hơn trong mắt bạn bè quốc tế cũng như nhân dân cả nước về thăm Thủ đô.

Nguyễn Văn Hải – Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội