TIN TỨC

Công tác xã hội trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học.
Ngày đăng: 2022-06-30 10:23:46

Ngày 05/4/2016, Quốc hội khóa XIII đã nhất trí thông qua Luật Trẻ em và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017 đúng vào ngày Quốc tế thiếu nhi.Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990 mà không bảo lưu điều, khoản nào.

Ngày 09/5/2017,Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ – CP Quy định chi tiết một số điều Luật trẻ em và Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Từ khi Luật trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ – CP có hiệu lực thi hành đã có tác động tích cực trong công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

 

Như vậy về cơ sở pháp lý về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em đã được thực thi, những hành vi làm tổn hại đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm của trẻ em đã được  Luật hóa.  Vậy tại sao ? tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong các trường học liên tục xẩy ra và có những diễn biến phức tạp. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay tại một số địa phương đã xảy ra không ít sự việc đau lòng mà nạn nhân là học sinh, nhất là các nữ học sinh như: một học sinh nữ ở tỉnh  Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng tại lớp học với hình thức hết sức dã man như đấm, đạp… và tệ hại hơn là các học sinh này còn  lột quần áo của nạn nhân, tiếp đến là vụ học sinh nữ cũng bị đánh hội đồng ở tỉnh Quảng Ninh. Theo thông kê từ phía cơ quan công an cho thấy, trong quý I. 2019 lực lượng công an đã ghi nhận 310 vụ bạo lực học đường. Đây là những vụ do nhà trường, gia đình nạn nhân báo cho cơ quan công an, có những vụ các gia đình, học sinh “ tự thương lượng, giải quyết” có lẽ còn nhiều hơn. Vậy là trung bình một tháng có đến trên 100 vụ học sinh bị bạo lực, những vụ bạo lực về thể xác sẽ  qua đi theo thời gian, nhưng những vụ bạo lực về tinh thần, đặc biệt là nạn học sinh bị xâm hại tình dục thì nỗi đau về tinh thần còn theo các em mãi trong cuộc đời. Nhiều em đã cố gắng giải thích cho cha mẹ, người thân là mình là nạn nhân của sự việc nhưng không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của gia đình, thầy cô, bạn bè và có em đã tìm đến cái chết bằng hình thức tự tự. Những vụ bạo hành, xâm hại tình dục học sinh có nguyên nhân từ nhiều phía, có thể gia đình thiếu quan tâm, hoặc học sinh không có kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, thậm chí các em học sinh không nhận diện được hành vi nào là  xâm phạm tình dục, vùng nào trên cơ thể các em chỉ có bố, mẹ mới được đụng vào còn người lạ tuyệt đối không được sờ mó, vuốt ve.…Để hạn chế thực trạng trên thì việc trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ ứng xử của các em với những vấn nạn trên là nội dung rất cần được quan tâm của học sinh vì các em chính là chủ thể cần quan tâm nhất, có tính chất quyết định đến việc hạn chế bạo lực học đường. Đồng thời khi sự việc xẩy ra thì chính các em là người lên tiếng tố cáo những việc làm không đúng của các cá nhân gây bạo lực hay xâm hại các em trong môi trường học đường. Tiếp đến là gia đình, hàng ngày khi trẻ đi học về nếu thấy trẻ có những  biểu hiện “ không bình thường” như: mệt mỏi, sợ hãi thì bố, mẹ và những người được trẻ tin tưởng nhất cần có sự trao đổi, chia sẻ kịp thời, lắng nghe trẻ nói và đồng hành với trẻ khi trẻ có hành vi muốn tố cáo kẻ đã gây bạo lực hay xâm thể chất, tình thần   cho trẻ. Cùng trẻ phân tích nguyên nhân của vụ việc và hậu quả sẽ xẩy ra nếu hành vi đó không được ngăn chặn kịp thời. Tiếp đến là Nhà trường cần phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội, và các tổ chức xã hội để tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi học sinh, dạy kiến thức, kỹ năng ứng xử với bạo lực trên cơ sở giới…. Tại điều 51, Nghị định 56/2017/NĐ – CP Quy định chi tiết một số điều  Luật trẻ em quy định: Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em được quy định tại điều 77 Luật trẻ em.

Sự phối hợp cộng tác giữa GIA ĐÌNH – NHÀ TRƯỜNG – XÃ HỘI sẽ tạo ra sự ổn định và phát triển nhân cách cho trẻ một cách có hệ thống từ thấp đến cao thông qua học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với lứa tuổi học trò là yếu tố quan trọng  giúp các em có cơ hội học tập, hòa nhập với tập thể góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng  ứng phó với xu hướng giáo dục mở trong nền kinh tế thị trường.

Ngày 26 tháng 12 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 33/2018/TT- BGDĐT Hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 2 năm 2019.

Thông tư này được áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam có người học dưới 18 tuổi; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Như vậy trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp… đã có cơ sở pháp lý để tổ chức công tác xã hội trong môi trường giáo dục, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân. Bảo vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật.

Công tác xã hội (CTXH) trong trường học góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng của cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh trong việc hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng người học. Hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong cơ sở giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng về CTXH trong môi trường giáo dục. Kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng cơ sở giáo dục thúc đẩy CTXH trong trường học phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Công tác xã hội chuyên nghiệp được ví như “ Bác sỹ chữa bệnh xã hội” các nhân viên CTXH thực hiện các chức năng của nghề CTXH để giải quyết những vấn đề xã hội đó là: chức năng phòng ngừa, chức năng can thiệp, chức năng phục hồi, chức năng phát triển. Trong đó chức năng phòng ngừa là rất quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục trẻ em.   Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác xã hội trong trường học sẽ từng bước được chuyên nghiệp  góp phần nâng cao  kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học. Khi  các em học sinh hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại thân thể, nhân phẩm của mỗi cá nhân, tập thể các em sẻ chủ động kết nối với các cơ quan chức năng để đưa vụ việc ra xét xử. Đồng thời các thầy cô giáo, gia đình phải nêu cao vai trò gương mẫu trong cách ứng xử với các học trò của mình. Những giáo viên, cán bộ vi phạm quy tắc đạo đức với học sinh phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Góp phần xây dựng môi trường giáo dục ngày càng an toàn, thân thiện./.

 

Nguyễn Ngọc Minh