GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP
Visit Today : 118 |
Total Visit : 1396492 |
Hits Today : 762 |
Who's Online : 1 |
TIN TỨC
Vừa qua tôi có dịp được tham dự Hội nghị gặp mặt truyền thống nhân dịp Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội số IV – Trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại Thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Cảm nhận đầu tiên khi tham dự Hội nghị là không khí vui vẻ của một cuộc gặp mặt thân mật giữa các thế hệ cán bộ và các đối tượng đã có những năm tháng gắn bó với nhau trong trung tâm. Trước khi tổ chức các hoạt động ôn lại truyền thống của đơn vị các đại biểu được thưởng thức một chương trình văn nghệ khá đặc sắc với đủ các thể loại hát, múa của cán bộ cùng các cháu thiếu niên đang được tượng nuôi dưỡng tại trung tâm. Tôi nói vui với Giám đốc trung tâm: chương trình này do nghệ sỹ nào dàn dựng mà hay và ý nghĩa quá ? ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc trung tâm cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trung tâm, Ban Giám đốc đã phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày truyền thống của đơn vị. Trên từng lĩnh vực hoạt động cụ thể các tập thể, cá nhân xây dựng các tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ chuyên môn và được toàn thể cán bộ hưởng ứng phong trào. Kết quả là nhân dịp Kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống của đơn vị CÁN BỘ, VIÊN CHỨC TRUNG TÂM ĐÃ ĐƯỢC CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI TẶNG BẰNG KHEN
Ông Hoàng Thành Thái – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động – TB&XH Hà Nội trao tặng
Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho CBVC Trung tâm BTXH IV nhân dịp Kỷ niệm 35 năm thành lập.
Mùa thu tháng 10 năm 1984 cách đây tròn 35 năm, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác Bảo trợ xã hội, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển Trại xã hội ở Lĩnh Nam – Huyện Thanh Trì lên Thị trấn Tây Đằng – Huyện Ba Vì, tiền thân của trung tâm Bảo trợ xã hội IV ngày nay. Lực lượng cán bộ, công nhân viên được điều động từ Trại xã hội Thụy An (nay là Trung tâm Nuôi dưỡng người già và Trẻ tàn tật) làm nòng cốt. Nơi đây nguyên là Trường Đảng của huyện ủy Ba Vì được chuyển làm cơ sở Bảo trợ xã hội của thành phố. Sau khi nhận bàn giao, đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất, vừa tổ chức tiếp nhận đối tượng từ các quận huyện để phục vụ kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô. Với tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết nhất trí, dù mới thành lập, cơ sở vật chất khó khăn thiếu thốn, nhưng đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong dịp kỷ niệm quan trọng này. Cuối những năm 1980, đối tượng tiếp tục được đưa vào với lưu lượng cao từ các quận huyện của Thành phố, thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động TB&XH Hà Nội, đơn vị đã phối hợp với phòng Bảo trợ xã hội, phân loại, chuyển trả bàn giao hàng trăm lượt đối tượng về các tỉnh, thành. Đến tháng 5/1992 UBND Thành phố đã quyết định đổi tên Trại xã hội thành Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Nội với nhiệm vụ: “ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng người lang thang, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức học văn hóa, học nghề”, tái hòa nhập cộng đồng khi đủ điều kiện; cũng trong thời gian này Thành phố giao cho Trung tâm tiếp nhận một cơ sở tại Thôn Đồng Dầu – Xã Dục Tú- Huyện Đông Anh làm trạm phân loại đối tượng (nay là Trung tâm Bảo trợ xã hội I).Tháng 12/1993, để giải quyết tái hòa nhập với cộng đồng những đối tượng là các hộ gia đình lang thang vô gia cư đang quản lý, nuôi dưỡng tại Trung tâm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Chi cục điều động Dân cư cùng đơn vị đã triển khai xây dựng 40 căn hộ, tại cơ sở 2 của đơn vị thuộc xã Xuân Sơn – thị xã Sơn Tây để tái hòa nhập cộng đồng số đối tượng này.Ngày 11/12/1995 UBND thành phố đã ban hành Quyết định 4382/QĐ-UBND tách Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Nội thành hai đơn vị, là Trung tâm Bảo trợ xã hội I và Trung tâm bảo trợ xã hội IV. Đến năm 2005 Trung tâm được UBND thành phố đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Trung tâm tại xã Xuân Sơn – thị xã Sơn Tây, nhằm tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và tạo việc làm cho những đối tượng còn sức khỏe lao động, tăng gia, chăn nuôi.
Trong 35 năm qua, sau nhiều lần Trung tâm được bổ sung chức năng, nhiệm vụ; Hiện nay Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ: Tập trung, tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, hướng nghiệp nghề và giải quyết tái hòa nhập cộng đồng khi đủ điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do có những thành tích trong công tác nhiều tập thể, cá nhân tại Trung tâm đã được tặng thưởng : Bằng khen, Cờ thi đua của Thành phố Hà Nội; Bằng khen của Bộ Lao động TBXH; Bằng khen của Chính phủ; Huân chương lao động của Chủ tịch nước và nhiều danh hiệu cao quý khác của các cấp, các ngành. Đó là công lao của các thế hệ cán bộ đi trước, của các đồng chí lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ và của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động hết lòng phục vụ và xây dựng Trung tâm.
Đại diện các cá nhân đã được nuôi dưỡng tại Trung tâm tặng quà tri ân với cán bộ, viên chức
và người lao động nhân Kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống.
Tại Hội nghị gặp mặt, các thế hệ lãnh đạo đơn vị đã cùng nhau chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tình cảm của những đối tượng đã được đội ngũ cán bộ Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, nay đã trưởng thành. Có nhiều em đã cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện, nay đã trở thành những công dân có ích cho xã hội, có thu nhập và cuộc sống ổn định. Tại đây các em đã mang đến trao tặng cho cán bộ, viên chức những vật kỷ niệm, chia sẻ những kỷ niệm của những năm tháng được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại Trung tâm để tỏ lòng tri ân với các bậc nuôi dưỡng, chăm sóc mà các em coi đó là “ người mẹ thứ hai” của mình đã không quản khó khăn, vất vả chăm sóc, dạy bảo nay các em đã trưởng thành đó là chị Hán Thị Liên nhân viên phòng Giáo dục chăm sóc trẻ em, một cô nuôi hết lòng vì trẻ và anh Nguyễn Đình Toàn nhân viên phòng Y tế Tiếp nhận Quản lý đối tượng, một con người có trái tim nhân hậu, tiêu biểu cho tấm gương sáng “Mình vì mọi người” tận tụy, chịu khó, hết lòng với công việc, luôn đồng cảm, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những khó khăn của những mảnh đời thiếu may mắn.
Hiện nay các đối tượng được nuôi dưỡng tập trung tại đơn vị chủ yếu là những người yếu thế trong xã hội, nhiều nhóm, nhiều dạng khác nhau, trình độ văn hóa, nhận thức, hiểu biết thấp, có nhiều đối tượng khuyết tật như; câm, điếc, mù, trí tuệ chậm phát triển, nhiều đối tượng mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh xã hội: Lao, HIV, nhiều người cao tuổi không tự phục vụ được và phải có nhân viên chăm sóc trực tiếp. Họ rất cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng giúp đỡ của các nhân viên công tác xã hội, do đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và trách nhiệm với công việc được giao là việc làm thường xuyên của Chi bộ Đảng, công đoàn, chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trung tâm.Nhận thức rõ được vai trò trách nhiệm của mình trong công tác phục vụ các đối tượng, các nhân viên công tác xã hội luôn quan tâm chăm sóc chu đáo từng bữa ăn đến giấc ngủ của đối tượng, hằng ngày Quản lý bếp ăn xây dựng thực đơn theo từng nhóm tuổi, thực phẩm mua về đảm bảo số lượng, chất lượng có chuyên môn y tế hằng ngày kiểm tra giám sát về chất lượng và các phòng ban chuyên môn kiểm tra về số lượng, giá cả. nhân viên phục vụ luôn ân cần chu đáo, với những người ốm đau và những người bệnh phải ăn kiêng thì đều có chế độ riêng. Chính vì vậy đối tượng luôn yên tâm, tin tưởng vào chế độ chính sách của Đảng và nhà nước, tinh thần và sức khỏe được nâng lên rõ rệt.
Đại diện các cá nhân đã được nuôi dưỡng tại Trung tâm tặng hoa choMẹ Lê Thị Ngân
nguyên Trưởng phòng Giáo dục chăm sóc trẻ em Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trung tâm.
Đối tượng tiếp nhận vào Trung tâm được khám sức khỏe ban đầu, phân loại để chăm sóc. Kịp thời điều trị tại chỗ và chuyển đi viện những trường hợp vượt quá khả năng, nên đã không để xảy ra sự cố do thiếu trách nhiệm của cán bộ Y tế. Làm tốt công tác dự trù, mua thuốc, quản lý thuốc cũng như các dụng cụ y tế đảm bảo cho công tác khám và điều trị tại đơn vị. Hiện tại có 37 đối tượng già yếu, bệnh tật, trí tuệ không bình thường, không tự phục vụ được bản thân, hằng ngày có các nhân viên y tế trực tiếp thăm khám, theo dõi sức khỏe, chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong những năm qua có nhiều đối tượng khi tiếp nhận từ các bệnh viện vào Trung tâm bị tai biến liệt nửa người, không đi lại được, cơ thể suy kiệt, sự sống mong manh, nhưng với sự tận tâm điều trị phục vụ của các nhân viên y tế và nhân viên công tác xã hội, bằng phương pháp vật lý trị liệu, sau một thời gian sức khỏe của số đối tượng này đã phục hồi và đi lại được. Hằng năm Trung tâm đều phối hợp với bệnh viện Phổi Hà Nội lên đơn vị khám sàng lọc bệnh Lao cho đối tượng, đã phát hiện nhiều đối tượng bị Lao phổi, trong đó có 1 số bị lao kháng thuốc, đơn vị đã phải cách ly số đối tượng này và điều trị cho họ theo đúng quy trình, một số bệnh nhân được điều trị đã khỏi bệnh hoàn toàn. Công tác phòng chống dịch bệnh: cũng được đơn vị chú trọng quan tâm chỉ đạo các bộ phận chuyên môn duy trì, làm tốt như: Vệ sinh phòng làm việc của cán bộ, phòng ở của đối tượng, vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, xử lý tốt các chất thải, khơi thông cống rãnh, phun thuốc khủ trùng nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ ăn uống, đồ dùng của đối tượng, cống rãnh… để ngăn ngừa phòng chống dịch bệnh, làm sạch môi trường không để xảy ra dịch bệnh. Một số đối tượng già yếu, bệnh tật qua đời đều được Trung tâm làm các thủ tục khâm niệm chu đáo theo phong tục tập quán và đưa đi hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển. Tro cốt được gửi và quản lý tại Nghĩa trang này.
Trung tâm hiện có 78 cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng; được bố trí tại 5 phòng ban chức năng làm việc tại 2 cơ sở; cán bộ luôn chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm cao trong công việc , tập thể đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo trong công việc luôn tận tụy, hết lòng vì đối tượng, sẵn sàng phục vụ, chăm sóc người già và trẻ em như những người thân ruột thịt của mình, điều kiện cơ sở vật chất, ăn, ở, sinh hoạt, làm việc ngày càng được nâng cao, không ngừng đổi mới phương pháp, kỹ năng làm việc. Ngày càng xuất hiện những tập thể, cá nhân người tốt việc tốt, lao động xuất sắc, hai năm liền 2018, 2019 đơn vị đều có cá nhân đạt danh hiệu “người tốt, việc tốt” cấp Thành phố đó là chị Hán Thị Liên nhân viên phòng Giáo dục chăm sóc trẻ em, một cô nuôi hết lòng vì trẻ và anh Nguyễn Đình Toàn nhân viên phòng Y tế Tiếp nhận Quản lý đối tượng. Trung tâm hiện có 43 đảng viên, tỷ lệ đảng viên nữ chiếm 60% là một Chi bộ trực thuộc huyện ủy Ba vì, hàng năm đều làm tốt công tác xây dựng đảng, duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt và nâng cao chất lượng sinh hoạt, đảng viên nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong chấp hành chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, nêu cao phê bình và tự phê bình, đoàn kết, thồng nhất, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chi bộ hàng năm đều được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh. Chăm lo giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh thiếu niên là việc làm được Trung tâm luôn coi trọng, giáo dục lối sống văn hóa lành mạnh cho cán bộ nhân viên, đặc biệt là trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các tổ chức Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ hoạt động sôi nổi, bám sát nhiệm vụ đơn vị, quan tâm chăm lo đời sống người lao động, đảm bảo đầy đủ quyền lợi đối với người lao động.
Thay mặt Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, ông Hoàng Thành Thái – Phó Bí thư Đảng ủy,
Phó Giám đốc phụ trách Sở tặng hoa chúc mừng cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm
nhân ngày Gặp mặt truyền thống 35 năm ngày thành lập.
Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, ông Hoàng Thành Thái – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở đã ghi nhận những thành tích cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho cán bộ, viên chức và người lao động trong thời gian tới: Phát huy những thành tích đã đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế để vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao để luôn xứng đáng với những thành tích đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh Xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các Ban, ngành đã trao tặng cho Trung tâm, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.
Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là công tác tập trung, tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người lang thang trên địa bàn Thành phố. Tự hào về truyền thống 35 năm; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động rất phấn khởi tự hào với những kết quả đã đạt được. Tập thể cán bộ CNVC nguyện đoàn kết thống nhất, tiếp tục xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội IV ngày càng phát triển vững mạnh toàn diện; đồng thời đơn vị mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Lao động TB&XH Hà Nội; Sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đơn vị trong khối, các đơn vị đóng trên địa bàn. Chia tay với các cán bộ, viên chức và người lao động cùng các đối tượng nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV trong một ngày mùa Thu thật đẹp của Hà Nội nhân dịp Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập. Được nghe, được thấy kết quả hoạt động của Trung tâm và sự ghi nhận của Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị, đặc biệt là kết quả chăm sóc, nuôi dưỡng để những con người còn thiếu may mắn trước đây trong cuộc sống trở thành những công dân có ích cho xã hội và hôm nay họ đã được trở về gặp lại những thế hệ cán bộ lãnh đạo, nhân viên nuôi dưỡng, chăm sóc họ để họ có được cuộc sống hôn nay.Tôi tin tưởng là trong thời gian tới Cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm sẽ đạt được nhiều thành tích trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng xã hội góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp./.
Nguyễn Ngọc Minh