TIN TỨC

Hội thảo tham vấn Sửa đổi chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong Luật phòng, chống mua bán người
Ngày đăng: 2023-04-08 19:28:16

          Ngày 07/4/2023, tại Hà Nội, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp với cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến đề xuất sửa đổi Luật phòng, chống mua bán người.

          Dự Hội thảo có bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội; bà Sophie Clarkson, Giám đốc Ban phòng chống buôn bán người và nô lệ hiện đại của Bộ Tổng chưởng lý Australia; bà Nguyễn Nguyệt Minh phụ trách UNODC tại Việt Nam và đại diện Chi cục PCTNXH, cơ sở Bảo trợ xã hội, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Nhà nhân ái của 17 tỉnh, thành phố, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội.

Ảnh: Bà Nguyễn Thùy DươngPhó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-TBXH) phát biểu tại Hội thảo

          Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội Khoá XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011 với 8 chương 58 điều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc Quốc hội thông qua Luật phòng, chống mua bán người là bước tiến mới trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người, các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Việc xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần bảo vệ quyền con người và bảo vệ nạn nhân của tội phạm mua bán người. Theo đó, từ năm 2012 đến nay đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân của tội phạm mua bán người.

 Ảnh: Đại biểu tham luận tại Hội thảo

           Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận: Báo cáo rà soát chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, những khó khăn, bất cập và đề xuất sửa đổi những quy định tại Luật phòng, chống mua bán người; các chính sách đặt ra trong Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi); hướng hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; thực trạng công tác trợ giúp pháp lý và phương hướng hoàn thiện chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán. Kiến nghị hoàn thiện các quy định về xác định nạn nhân bị mua bán.

Ảnh: Các đại biểu dự Hội thảo

           Tại hội thảo các đại biểu cũng đề xuất một số kiến nghị nhằm sửa đổi những quy định tại Luật phòng, chống mua bán người như:  Quy định cụ thể các tiêu chí để xác định nạn nhân bị mua bán nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngay từ đầu nạn nhân bị mua bán để kịp thời có chế độ, chính sách đối với nạn nhân; hoàn thiện các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ nạn nhân trong các vụ mua bán người và một số đối tượng liên quan và bảo vệ nạn nhân bị mua bán theo hướng nâng cao hơn một số chế độ trợ cấp khó khăn ban đầu; Hoàn thiện quy định về việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo hướng cho phép các tổ chức, cá nhân (bao gồm cả Việt Nam và nước ngoài) được phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân không lưu trú trong cơ sở trợ giúp nạn nhân; nâng cao mức hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội…

Trịnh Thị Phương – Trung tâm CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội