TIN TỨC

Hội thảo tham vấn Xây dựng hướng dẫn mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp
Ngày đăng: 2023-07-03 14:43:34

         Ngày 30/6/2023, Cục Trẻ em phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn Xây dựng hướng dẫn mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp

          Dự Hội thảo có Bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ Lao động – TB&XH, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bà Lê Hồng Loan- đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại diện Sở Lao động – TB&XH tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh; đại diện Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội và một số tỉnh, Thành phố.

Ảnh: Thứ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo

          Tại Hội thảo, Bà Lê Hồng Loan đại diện UNICEF tại Việt Nam đã chia sẻ: Hơn 2 thập kỷ qua, các nước trên thế giới đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ trẻ em tích hợp. Sự cần thiết cần có sự điều phối và tích hợp các dịch vụ đa ngành:Thứ nhất, Bảo vệ trẻ em đòi hỏi sự tham gia của nhiều chủ thể cơ quan đầu mối về trẻ em, công an, cơ quan tiến hành tố tụng, y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các tổ chức xã hội… Thứ hai, Mỗi chủ thể đóng một vai trò riêng, cũng như phải phối hợp với nhau trong toàn bộ quy trình phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em kịp thời, đồng bộ, liên tục, hiệu quả. Thứ ba: Nhu cầu của trẻ em bị xâm hại rất đa chiều, một ngành không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó, cho nên cách xử lý đa ngành, phối kết hợp hiệu quả là điều hết sức cần thiết.

           Tại Việt Nam, Luật Trẻ em quy định các quy trình tiếp nhận tin, đánh giá và can thiệp dành cho tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em bị xâm hại; Trách nhiệm đầu mối điều phối được giao cho người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; Nghị định 56/017/NĐ-CP quy định các bước tiếp nhận, đánh giá đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Ảnh: Bà Lê Hồng Loan, đại diện UNICEF tại Việt Nam trình bày chuyên đề tại Hội thảo

            Hiện có rất nhiều mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hướng đến có sự điều phối và tích hợp: Quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại…được thực hiện bởi nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã có sự hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội và Tổng đài 111; Các Trung tâm Công tác xã hội tiếp nhận, đánh giá, can thiệp theo chuyên môn và chuyển gửi.

          Tuy nhiên, vai trò điều phối của cơ quan đầu mối và tích hợp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở tất cả các mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên việc xây dựng quy chế phối hợp liên ngành phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em là rất cần thiết.

          Tại Hội nghị, đại diện Sở Lao động-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng mô hình Ngôi nhà Ánh Dương và mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một cửa của TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận bổ sung dự thảo hướng dẫn xây dựng Mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp: Mô hình trung tâm dịch vụ một cửa là “chiến lược vàng” cho việc cung cấp dịch vụ tích hợp, song đây cũng là mô hình tốn chi phí hoạt động nhất; nhìn chung chỉ khả thi ở các đô thị lớn và không hiệu quả về chi phí ở những khu vực có tỷ lệ bạo lực trẻ em thấp; khi thiết kế Mô hình trung tâm dịch vụ một cửa cần cân nhắc kỹ thân chủ/đối tượng thụ hưởng, dịch vụ cần cung cấp và hình thức kết nối mô hình với hệ thống bảo vệ trẻ em.

          Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Quan điểm triển khai các mô hình cần đặt lợi ích và quyền của trẻ em lên hàng đầu; các mô hình song song tồn tại, không triệt tiêu nhau, một quốc gia có thể triển khai nhiều mô hình; Mô hình cần đặt ở địa điểm hợp lý, tận dụng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng; Gắn mô hình đã triển khai để kết hợp hiệu quả. Chú ý các điều kiện để đảm bảo triển khai được mô hình (ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, nguồn vận động, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…).

 Trịnh Thị Phương – TT CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội