TIN TỨC

Hội thảo tham vấn xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “ Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”
Ngày đăng: 2022-06-30 09:35:38
Hội thảo tham vấn xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “ Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”
Ngày đăng 08/03/2018 | 2:50 PM  | View count: 82

Trong 2 ngày 01 và 02/3/2018, tại Đồ Sơn – Hải Phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UNICEP tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “ Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”

Tham gia Hội thảo có các chuyên gia tư vấn trong nước và các tư vấn của UNICEP tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các trung tâm công tác xã hội Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng.., các Sở: Lao động – Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo của một số tỉn, thành phố khu vực phía Bắc, lãnh đạo, giảng viên các trường đại học: Lao động xã hội, Công đoàn, Sư phạm, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam…

Tiến sỹ Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và đại diện lãnh đạo Unicef tại Việt Nam  đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong thời gian Hội thảo các chuyên gia trong nước và Quốc tế sẽ trình bày những nội dụng cơ bản của Quyết định số 488/QĐ – TTg ngày 14/4/2017 của Chính phủ Phê duyệt  Đề án “ Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Nhóm chuyên gia tư vấn trong nước đã Giới thiệu về cơ sở của nghiên cứu, các mục tiêu của nghiên cứu, lược đồ chính sách; Chuyên gia tư vấn Quốc tế Stephen Kidd đã giới thiệu về “ Nguyên lý thay đổi”

Việt Nam là quốc gia đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi quá trình biến đổi khí hậu và tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh dẫn đến có hơn 25% dân cư cần sự trợ giúp xã hội. Trong đó có khoảng 9,4 triệu người cao tuổi, 7,3 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 10% hộ nghèo, 5% hộ cận nghèo, khoảng 1,8 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện, 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, hơn 48.000 người bán dâm, khoảng 30.000 nạn nhân bạo lực, bạo hành trong gia đình, ngoài ra, còn có nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là chính sách cứu trợ khẩn cấp (  Trợ giúp xã hội đột xuất). Khi người dân gặp thiên tai Nhà nước đã kịp thời có các hoạt động trợ giúp kịp thời về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trong quá trình thiên tai và phòng chống dịch bệnh sau khi thiên tai, hỗ trợ xây, sửa nhà ở, trường học, bệnh viện… góp phần ổn định chính trị, kinh tế xã hội.

Quan điểm, mục tiêu của Đề án “ Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”

Quan điểm:

1.Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, nguồn lực đâu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quan trọng. Đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển. Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia trợ giúp xã hội; đồng thời, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao tinh thần, vật chất, bảo đảm công bằng xã hội; ổn định xã hội và phát triển bền vững.

2. Trợ giúp xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội, khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước, xu hướng quốc tế và từng bước tiếp cận với mức sống tối thiểu trong từng thời kỳ; ưu tiên vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiếu số.

3. Trợ giúp xã hội phải đa dạng về mô hình, toàn diện cả về vật chất và tinh thần phù hợp với vòng đời con người có tính chất chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân; bảo đảm người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội.

Mục tiêu: Được chia thành các giai đoạn 2017 – 2020; giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến 2030 bạn đọc có thể tham khảo chi tiết tại mục VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT trong trang thông tin điện tử của trung tâm.

Sau 02 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc các chuyên gia trong nước, quốc tế điều tôi ghi nhận được đó là: Đầu tư của Nhà nước cho an sinh xã hội là đầu tư cho sự phát triển; đổi mới trợ giúp xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu của Đề án đòi hỏi mỗi cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể và mỗi người dân phải tự thay đổi nhận thức về trợ giúp xã hội; trợ giúp xã hội không phải là chi phí “ cho không” mà là sự trợ giúp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, dễ bị tổn thương do gặp rủi ro trong cuộc sống, bảo đảm quyền được sống ở mức tối thiểu; tăng cường năng lực cho người dân để đối phó với rủi ro của vòng đời. Tuy nhiên mỗi cá nhân không nên có tư tưởng “ ỷ nại vào sự trợ giúp của nhà nước, xã hội” mà phải tăng cường khả năng tự lực của mỗi cá nhân, cộng đồng để đối phó với rủi ro và hạn chế sự rủi ro.( đó là khả năng tự trang bị kiến thức, kỹ năng về công tác phòng ngừa rủi ro. Ví dụ khi tham gia giao thông mỗi người phải tự giác tuân thủ luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy… khi chính quyền địa phương thông báo về tình hình bão, lũ… thì cá nhân, cộng đồng phải chủ động các phương án phòng chống bão, lũ phù hợp với điều kiện của địa phương, gia đình).

Trong quá trình thiết kế hệ thống chính sách trợ giúp xã hội phải toàn diện, thực hiện được ba chức năng cơ bản đó là: phòng ngừa rủi ro; can thiệp giảm thiểu rủi ro thông qua các hoạt động truyền thông, vận động xã hội, nâng cao nhận thức để người dân nhận biết được các loại hình rủi ro, chủ động áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro; chức năng khắc phục rủi ro thông qua các hoạt động can thiệp, trợ giúp để bảo đảm an toàn cuộc sống cho người dân khi gặp rủi ro, bảo đảm cho họ có mức sống tối thiểu. Trong trợ giúp xã hội với 3 cấu phần cơ bản là: trợ cấp tiền mặt, trợ  giúp khẩn cấp và mạng lưới cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội. Dịch vụ trợ giúp xã hội bao gồm các dịch vụ chăm sóc, nuôi dương do nhân viên chăm sóc ( Social Care) và người chăm sóc ( Giver) cung cấp chủ yếu là ở cộng đồng và dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp như: tham vấn, tư vấn chuyên sâu với từng đối tượng cụ thể ( Social Worker) cung cấp tại cộng đồng, trường học, bệnh viện, tòa án và tại các trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội công lập hoặc ngoài công lập.

Từ nay đến năm 2030 cứ 5.000 người dân có một nhân viên công tác xã hội, trợ giúp xã hội chuyên nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu cần đạt được trong quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, trợ giúp các dịch vụ xã hội theo hướng thống nhất một cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội; bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội tại cộng đồng để việc cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội được thực hiện ngay tại cộng đồng theo khung giá và danh mục dịch vụ sự nghiệp công được pháp luật quy định. Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khẩn cấp.

 

 

Kết thúc cuộc Hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Toản – Cục phó Cục Bảo trợ xã hội đã ghi nhận sự chủ động, tích cực của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều cố gắng trong quá trình truyền đạt các nội dung tham vấn. Cục Bảo trợ Xã hội sẽ tổng hợp toàn bộ ý kiến của các đại biểu và phối hợp với các chuyên gia để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Đề án của Chính phủ về  “ Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”./.

 

Nguyễn Ngọc Minh

Tài liệu tham khảo

  • – Quyết định số 488/QĐ – TTg ngày 14/4/2017 của Chính phủ;
  • – Báo cáo tóm tắt Chính sách đổi mới hệ thống chính sách trợ giúp xã hội – Bộ Lao động – TBXH – NXB LĐXH năm 2017