GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP







![]() |
![]() |
![]() |
![]() |

TIN TỨC
Từ Đề án đến mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội
Từ Đề án đến mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội
Ngày 25/3/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Đề án 32). Mục tiêu chung của Đề án là “Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 32; điều phối các hoạt động của Đề án 32. Kết quả là các Bộ, ngành trung ương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch thực hiện mục tiêu của Đề án; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể hóa Đề án 32, chỉ đạo các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện các nội dung, giải pháp của Đề án 32 trên địa bàn tỉnh, thành phố; bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Đề án 32. Sau hơn 05 năm thực hiện Đề án 32, nhiều Trung tâm công tác xã hội tại các tỉnh, thành phố được thành lập và thực hiện cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội theo hướng dẫn của các Bộ, ngành. Nhiều trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề đã tổ chức đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, sơ cấp, tập huấn theo từng chuyên đề như: Công tác xã hội trong trường học, công tác xã hội với người cao tuổi, công tác xã hội với nghiện ma túy…. nhiều bệnh viện thuộc Bộ y tế đã có Phòng công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Hà Nội…. Ngày 19/8/2015 Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT – BLĐTBXH – BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội. Mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành công tác xã hội gồm 3 hạng, cụ thể như sau: Công tác xã hội viên chính (hạng II) Mã số: V.09.04.01; Công tác xã hội viên (hạng III) Mã số: V.09.04.02; Nhân viên công tác xã hội (hạng IV) Mã số: V.09.04.03. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 10 năm 2015. Đây chính là căn cứ pháp lý quy định về mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội; bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ngành công tác xã hội làm việc trong các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực an sinh xã hội. Như vậy công tác xã hội (CTXH) đã được công nhận là một nghề ở Việt Nam.
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội
Ngày 22 tháng 12 năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5326/QĐ – UBND về việc thành lập Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội, Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Tên tiếng Anh: Hanoi Center for Social Work and Child Protection Fund
Trụ sở chính: Số 45 Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội;
Cơ sở II: Thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm) có chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, tập trung tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng người lang thang; đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; trẻ em bị bỏ rơi; người cao tuổi, trẻ em bị lạc gia đình và các đối tượng khác theo quy định; tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vận động, tiếp nhận, quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội để thực hiện mục đích bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật.
Thực hiện Đề án 32, ngày 21 tháng 3 năm 2014, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số: 1541/QĐ – UBND về việc thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội. Kể từ khi thành lập và thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội đã phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội I, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội thực hiện có hiệu quả các chương trình trợ giúp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên hòa nhập đời sống cộng đồng. Để tinh giảm đầu mối các cơ sở trợ giúp xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố đã hợp nhất ba trung tâm thành lập Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội là minh chứng khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội theo quy trình chuyên nghiệp đó là: tuyệt đối không để người dân nào bị đói, rét, trong cuộc sống hàng ngày khi không may bị thiên tai, dịch bệnh, tai nạn rủi ro đều được trợ giúp kịp thời của các cấp chính quyền từ Thành phố đến các xã, phường, thị trấn thông qua hệ thống cung cấp các dịch vụ công tác xã hội theo quy định của pháp luật. Như vậy các đối tượng “yếu thế” bao gồm: trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo… đều đã có cơ hội tiếp cận các cơ chế chính sách của Nhà nước và của Thành phố hỗ trợ người dân theo hướng gắn với cộng đồng dân cư thông qua các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội chuyên nghiệp.
Kỷ niệm “Ngày công tác xã hội Việt Nam”
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế quốc tế, các quốc gia không chỉ liên kết về kinh tế, kinh doanh mà rất cần có sự liên kết về các hoạt động xã hội. Các nước phát triển như: Mỹ, Canada; Anh, Thụy Điển, Thái Lan, Singapore, Philippin…đều có các trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, sự xuất hiện của Hiệp hội Công tác xã hội Quốc tế được khởi sự từ năm 1926 với sự tham gia của trên 100 quốc gia thành viên đã minh chứng cho sự cần thiết phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Năm 2020, trên thế giới xuất hiện đại dịch Covid-19 đã diễn ra tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới, để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh các quốc gia phải phối hợp, cộng tác với nhau, nước giàu có trách nhiệm chia sẻ với nước chậm phát tiển, thích ứng linh hoạt trong điều kiện mới. Kết quả là đại dịch đã từng bước được kiểm soát, đẩy lùi, từng bước hòa nhập cuộc sống mới với phương châm vừa phòng chống dịch bệnh, vừa liên kết, cộng tác để phát triển kinh tế – xã hội. Ngày 23 tháng 01 năm 2020, đất nước ta có trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 do Virus Sas-Covi2 gây ra, đến ngày 21/3/2022, Việt Nam đã có 7.958.048 ca nhiễm Covid-19 và đã có 41.880 ca tử vong chính thức được công bố. Đại dịch Covid-19 đã làm thiệt hại rất lớn về người, tài sản, nhưng cũng thấy được sức chống chịu của nền kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia dân tộc. Việt Nam là nước chậm phát triển, nền y học còn hạn chế, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự chung tay đồng lòng của người dân và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chúng ta đã triển khai thành công chiến dịch tiêm phòng lớn nhất trong lịch sử, hạn chế thấp nhất số ca tử vonng, từng bước vượt qua khó khăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong tình hình mới, với mục tiêu gắn phát triển kinh tế đi liền với công bằng xã hội. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Điều đó khẳng định trong mọi khó khăn, nhưng nếu có sự đoàn kết, nhất trí trong hành động thì nhất định sẽ đi đến thành công. Trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19, toàn dân đã mang hết khả năng, nguồn lực để mua vacine và các thuốc phòng chống dịch bệnh cho người dân. Kết quả là nước ta đã khống chế thành công được đại dịch Covid-19, từng bước đưa nền kinh tế – xã hội hoạt động trong tình hình mới, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng. Để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân; Phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam; Thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội. Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ – TTg lấy ngày 25/3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” đây chính là ngày Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020.
Nhân dịp Kỷ niệm “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” xin chúc lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp sức mình cùng với các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội và người dân Thành phố thực hiện có hiệu quả mục tiêu: KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh./.