TIN TỨC

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM ( Kỷ niệm ngày quốc tế người cao tuổi 01/10/1991-01/10/2021)
Ngày đăng: 2022-06-06 03:23:10

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM ( Kỷ niệm ngày quốc tế người cao tuổi 01/10/1991-01/10/2021)

Liên Hiệp Quốc đã sớm chú ý tới các vấn đề liên quan đến Người cao tuổi và thấy cần thiết phải rà soát về hiệu lực và tính khả thi triển khai thực hiện của Chương trình hành động quốc tế dài hạn về Người cao tuổi; phát động Năm Quốc tế Người cao tuổi (1982); thông qua biểu tượng “Cây đa” biểu trưng cho Người cao tuổi. Bằng việc đề ra Ngày Quốc tế Người cao tuổi, Liên Hiệp Quốc mong muốn cộng đồng nhận thức rõ hơn thực tế về Người cao tuổi, thấy rõ khả năng to lớn của Người cao tuổi đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng xã hội. Đồng thời cũng lưu ý cộng đồng trên toàn thể giới về hiện tượng, đó là sự già hóa dân số và trong tương lai không xa về “Kỷ nguyên của Người cao tuổi”. Từ đó đến nay, hàng năm ngày Quốc tế Người cao tuổi được tổ chức trọng thể ở Việt Nam và hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Việc quyết định lấy ngày 01/10 hàng năm là ngày Quốc tế Người cao tuổi cũng phù hợp với đạo lý và truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam; phù hợp với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về Người cao tuổi nên nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhân dân cả nước.

Trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người cao tuổi Việt Nam đã có những cống hiến to lớn, góp phần vun đắp nên truyền thống vẻ vang của dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, người cao tuổi được tôn vinh, chăm sóc và tiếp tục phát huy kinh nghiệm sống, uy tín, tiềm năng trí tuệ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

       Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác đã viết bài Kính cáo đồng bào (6-6-1941), kêu gọi tổ chức những Hội cứu quốc chống Pháp, chống Nhật. Để phát huy truyền thống Diên Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi phụ lão: “Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc”. Tiếp đó, Người viết Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm nặng nề”… Ngày 21-9-1945, trong Thư gửi các vị phụ lão, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi thành lập Phụ lão cứu quốc hội… “để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”.

       Kế tục truyền thống vẻ vang của Hội Phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, lớp người cao tuổi Việt Nam ngày nay tiếp tục nêu cao vai trò của mình, sống, học tập, làm việc và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, ổn định đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam, đồng thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII) đã ban hành Luật Người cao tuổi ngày 23/11/2009. Trong đó, Điều 6 của Luật ghi rõ: “Ngày 6 tháng 6 hàng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam”. Như vậy từ năm 2010, ngày 6/6 hằng năm là Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam đồng thời cũng là Ngày Người cao tuổi Việt Nam. Và đặc biệt hơn, khoản 3 Điều 37 Hiến pháp 2013 đã khẳng định vị trí, vai trò của người cao tuổi: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ảnh: Trung tâm CCDV Công tác xã hội Hà Nội truyền thông cho người cao tuổi xã Yên Bình ( huyện Thạch Thất)

Trên chặng đường 80 năm qua, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trải qua 5 kỳ Đại hội, người cao tuổi và hội viên luôn bám sát các chương trình công tác trọng tâm như: Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi. Hội Người cao tuổi cơ sở tích cực tham gia các phong trào, chương trình lớn do Trung ương Hội phát động như Phong trào “Một triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo”, Chương trình mắt sáng cho người cao tuổi, Chương trình “Người cao tuổi tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo”, “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”; “Người cao tuổi tham gia xây dựng phát triển quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở”… Những đóng góp và kết quả thiết thực của người cao tuổi đã góp phần khẳng định vai trò, vị trí của người cao tuổi trong cộng đồng, xã hội.

Ảnh: Các đại biểungười cao tuổi tham dự buổi truyền thông

Tại xã Yên Sơn ( huyện Quốc Oai)

Trong những năm qua, Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc, tư vấn cho người cao tuổi trên địa bàn, tổ chức các cuộc truyền thông với chủ đề chăm sóc tâm, sinh lý cho người cao tuổi,  chia sẻ về tầm quan trọng của sức khỏe dành cho người cao tuổi, những bệnh thường gặp và một số phương pháp giúp giữ gìn sức khỏe, cũng như vai trò của người cao tuổi đối với gia đình, cộng đồng và xã hội, nhằm bổ sung kiến thức về các kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Bên cạnh đó, các hội viên Hội người cao tuổi còn được giới thiệu thêm về Luật người cao tuổi, các chính sách dành cho người cao tuổi, từ đó có những hiểu biết nhất định và ứng xử phù hợp trong mối quan hệ gia đình và xã hội.

 

Trịnh Thị Phương

Phòng Đào tạo và phát triển cộng đồng

Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội