TIN TỨC

PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG TẠI PHƯỜNG HÀ CẦU, CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở KHU DÂN CƯ
Ngày đăng: 2022-07-01 06:52:41

Thực hiện chương trình công tác phát triển cộng đồng năm 2019, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã phối hợp với UBND phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội triển khai công tác phát triển cộng đồng tại Tổ dân phố Hà Trì 1 trên địa bàn Phường.

Địa bàn tổ dân phố Hà Trì 1 rộng, dân số đông, nhiều hộ mua đất về đây sinh sống , nhiều gia đình có đất làm nhà cho thuê trọ.Tổ dân phố Hà Trì 1 có 16 ngõ phố (các ngõ đều có ngõ trưởng), có 645 hộ dân với tổng số nhân khẩu là 2600 người. Trong đó hộ khẩu thưởng trú chiếm 90%, 10% còn lại là hộ khẩu tạm trú.Vị trí địa lý: phía Tây giáp Thị đội Hà Đông; phía Nam giáp sông Nhuệ; phía Bắc giáp phường Nguyễn Trãi.Chi bộ tổ dân phố hiện có 104 đảng viên; các đoàn thể quần chúng, các hội viên hoạt động tích cực, tình hình đời sống nhân dân và an ninh trật tự xã hội được ổn định có sự chuyển biến tích cực từng bước phát triển.

Với mong muốn hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng,bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, đảm bảo sự cân bằng về vật chất và tinh thần, qua đó tạo những chuyển biến xã hội tích cực trong cộng đồng.

Trong qúa trình phát triển cộng đồng, quy trình được áp dụng đó là tiến trình theo 6 bước, gồm: Tiếp cận cộng đồng, đánh giá khái quát, lập kế hoạch hành động, thực hiện kế hoạch, lượng giá, chuyển giao.

Ngoài kiến thức về phát triển cộng đồng, cán bộ còn áp dụng các kiến thức khác như thuyết nhu cầu, thuyết hệ thống nhằm tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng, thông qua các hệ thống khác nhau; Các kỹ năng sử dụng chung như: kỹ năng quan sát, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng phỏng vấn sâu, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng điều phối… trong toàn bộ quá trình thực hành.

Qua thời gian khảo sát, lấy phiếu ý kiến của 66 hộ gia đình, cán bộ Trung tâm phân tích, đánh giá và nhận diện được các vấn đề:

Vấn đề rác thải (51 phiếu): Rác thải là một trong những vấn đề gây bức xúc đối với người dân của các tổ dân phố. Hiện nay, mặc dù tổ dân phố đã lắp đặt hệ thống thùng rác công cộng nhưng chưa đầy đủ, một số nơi giao cắt hoặc ngã 3, ngã 4 vẫn chưa được bố trí thùng rác, chủ yếu người dân sử dụng các thùng rác tự phát như: thùng xốp, thùng sơn, không có nắp đậy, bị sứt mẻ thậm chí cả túi nilong khiến rác và nước thải tràn ra đường, bốc mùi hôi thối chưa đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan tổ dân phố.

Cải tạo khuôn viên nhà văn hóa (10 phiếu)

Khuôn viên của nhà văn hóa là nơi tập trung đông người qua lại, là nơi diễn ra các hoạt động tập thể của tổ dân phố. Tuy nhiên, khu vực sân vẫn chưa được đầu tư tân trang, cải tạo. Qua quá trình khảo sát, người dân tỏ rõ sự quan tâm tới việc tân trang lại khuôn viên nhà văn hóa sao cho sạch – đẹp nhằm tạo cảnh quan tươi vui, sinh động cho người dân mỗi khi có hoạt động tại nhà văn hóa.

Họp nhóm nòng cốt của Tổ dân phố để nắm bắt nhu cầu người dân tại các ngõ.

Sau khi phân tích, đánh giá các vấn đề đang tồn tại , cán bộ Trung tâm đã xác định vấn đề rác thải là vấn đề bức xúc cần giải quyết. Trung tâm đã phối hợp với lãnh đạo địa phương và toàn thể bà con nhân dân tổ dân phố Hà Trì 1 tổ chức họp dân vào tối ngày 16/5/2019 để bàn, đưa ra các nội dung thuận lợi, khó khăn, hạn chế, huy động nguồn lực, xây dựng kế hoạch để triển khai vấn đề.

Họp dân tại Tổ dân phố Hà Trì 1

Ảnh: Phòng Đào tạo và phát triển cộng đồng

         Trong buổi họp, đại diện bà con nhân dân tổ dân phố Hà Trì 1 đã tới dự họp và tham gia đóng góp ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề đang tồn tại ở tổ dân phố một cách dân chủ. Qua đó người dân đã lựa chọn được vấn đề ưu tiên dựa trên tiêu chí: đáp ứng được nhu cầu của đại đa số bà con trong tổ và phù hợp với khả năng giải quyết của địa phương. Vấn đề ưu tiên được người dân lựa chọn là: Bổ sung thêm thùng rác công cộng đặt tại các điểm giao thoa, ngã 3, ngã tư, nơi thường xuyên tập kết rác

Qua phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức có thể nhận thấy những ưu điểm, hạn chế của cộng đồng, các cơ hội để phát triển cũng như các nguy cơ mà cộng đồng sẽ phải đương đầu. Tại cộng đồng tổ dân phố có một số điểm mạnh như: Đa số người dân trong tổ đều có nhu cầu và mong muốn ủng hộ việc mua và lắp đặt các thùng rác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, tổ dân phố cũng còn nhiều hạn chế: Một số hộ gia đình vẫn chưa ý thức được sự cần thiết của việc có thùng rác đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm để đặt thùng rác phù hợp và thuận tiện nhất cho người dân.

Họp dân tại Tổ dân phố Hà Trì 1

Ảnh: Phòng Đào tạo và phát triển cộng đồng

   KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH :

Lắp đặt 04 thùng rác công cộng ở các ngõ 8,9, Lê Lai – Tổ dân phố Hà Trì 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông bằng nguồn huy động xã hội hóa từ người dân Tổ dân phố.

Tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Một số các vấn đề khác: dọn dẹp đường dây điện, vấn đề chó thả rông tại khu dân cư, lắp đặt đèn đường, vấn đề thoát nước ở cống rãnh, nước sinh hoạt và xe hút bụi đoạn có đoạn không, bảng tin chung của tổ dân phố, thành lập tủ sách cộng đồng. Tổ dân phố tiếp tục tuyên truyền đến các hộ dân và phối hợp với các ban ngành khác từng bước thực hiện.

Đặc biệt, sau chương trình ý thức và nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng cao góp phần xây dựng cuộc sống xanh – sạch – đẹp.

Kết quả các hoạt động tại cộng đồng cho thấy ý nghĩa của mô hình phát triển cộng đồng trong việc thúc đẩy sự đoàn kết và huy động nguồn lực tại chỗ, sự tham gia từ chính trong cộng đồng, đặc biệt là các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội và người dân tại cộng đồng được xem hướng tiếp cận có hiệu quả và bền vững trong công tác phát triển cộng đồng.

Lắp đặt, bàn giao thùng rác cho Tổ dân phố

Ảnh: Phòng Đào tạo và phát triển cộng đồng

         Một số thuận lợi , khó khăn trong tổ chức phát triển cộng đồng:

  1.         Thuận lợi:

– Trong quá trình thực hiện phát triển cộng đồng tại địa phương, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và người dân tạo điều kiện để trung tâm tới từng hộ gia đình thu thập thông tin và lấy phiếu khảo sát.

–  Bằng những kỹ năng, tinh thần trách nhiệm cao, không quản thời tiết nắng mưa khắc nghiệt, cán bộ đã đến từng nhà dân tìm hiểu, thu thập thông tin, xác định vấn đề, tạo lập mối quan hệ thích hợp, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chương trình phát triển cộng đồng.

–  Sự tham gia tích cực, trách nhiệm của cán bộ tổ dân phố với công việc của cộng đồng.

–  Công tác phát triển cộng đồng với mục đích nâng cao nhận thức, thức tỉnh cộng đồng, thúc đẩy cộng đồng cùng tham giá xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực trong dân và thực hiện kế hoạch phát triển cộng đồng của chính họ. – Việc tổ chức phát triển cộng đồng đòi hỏi nhân viên cần kiến thức, kỹ năng phát triển cộng đồng và kiên trì thực hiện. Do đó tổ chức phát triển cộng đồng có thể kéo dài và kết quả đạt được nhiều khi mang tính chất định tính, không mong muốn, kỳ vọng vì còn phụ thuộc vào nhận thức và hành động của cộng đồng.

– Trong công tác phát triển cộng đồng phải tổ chức các buổi họp dân để thống nhất lấy ý kiến người dân địa phương về việc tổ chức, thực hiện các hoạt động, thường các cuộc họp dân diễn ra vào buổi tối và thường phải đi với số lượng nhiều người.

Lắp đặt, bàn giao thùng rác cho Tổ dân phố

Ảnh: Phòng Đào tạo và phát triển cộng đồng

          2. Khó khăn:

– Nhận thức của chính quyền và người dân ở một số địa phương về công tác xã hội nói chung và công tác phát triển cộng đồng nói riêng còn hạn chế.

– Một số hộ dân còn chưa có nhận thức đúng đắn về công tác phát triển cộng đồng nên thiếu sự hợp tác, gây hạn chế cho việc thu thập thông tin.

– Việc vận động người dân cùng tham gia các hoạt động đòi hỏi phải kiên trì và cần có các kỹ năng CTXH cần thiết để phát triển cộng đồng.

– Cơ sở chưa có đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội nói chung và phát triển cộng đồng nói riêng để phát hiện những vấn đề khó khăn của cộng đồng và tổ chức phát triển cộng đồng nên phạm vi triển khai công tác phát triển cộng đồng hàng năm Trung tâm tổ chức còn hẹp.

Chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến các vấn đề mang tính xã hội của cộng đồng ở địa phương. Hiện tại, trong cộng đồng người dân hầu như quan tâm tới các vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế, còn các vấn đề đời sống xã hội tồn tại trong cộng đồng thì người dân lại không mấy quan tâm vì cho rằng đó không phải là vấn đề lớn và là việc chung chứ không phải việc của gia đình mình. Vì vậy, cán bộ địa phương cần trao đổi nhiều hơn với người dân để người dân nhận thức đúng và có cách nhìn khác về những vấn đề đang tồn tại trong cộng đồng.

Cần có các hoạt động truyền thông cung cấp những kiến thức phù hợp với từng nhóm đối tượng: người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên.

Nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, tuyên truyền trên phương tiện thông tin của phường đến các tổ dân phố./.

 

Thạc sỹ Trịnh Thị Phương                      

Trưởng phòng Đào tạo và phát triển cộng đồng    

Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội