GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP
Visit Today : 99 |
Total Visit : 1396254 |
Hits Today : 943 |
Who's Online : 2 |
TIN TỨC
Quá trình đổi mới toàn diện trong hơn ba thập kỷ qua ở Việt Nam đã tạo ra những thay đổi tích cực về kinh tế-xã hội, mức sống của đại bộ phận dân cư nước ta nói chung được nâng lên. Bên cạnh các mặt tích cực thì cũng nảy sinh những hạn chế tiêu cực gây ra những “bất ổn” trong môi trường học đường, đó là các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.
Theo thống kê, chỉ trong vòng hơn 1 tháng xảy 10 vụ bạo lực học đường: Chỉ từ cuối tháng 2 – 4/2018, trên cả nước đã diễn ra 10 vụ bạo lực học đường liên quan đến học sinh, giáo viên và phụ huynh gây chấn động dư luận:
Giáo viên phạt học sinh quỳ ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ngay sau đó là sự việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ để xin lỗi phụ huynh; Cô giáo bị học sinh bóp cổ ngay trong lớp tại Bến tre; Tại Nghệ An xảy ra 2 vụ việc liên quan đến bạo hành giáo viên. Một thầy giáo ở Trường THCS Tân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, bị người nhà học sinh đánh dập sống mũi phải nhập viện điều trị. Ngay sau đó vài ngày, một giáo sinh tại trường mầm non ở TP Vinh lại bị người nhà học sinh hành hung đến dọa sẩy thai; Giáo viên im lặng khi vào lớp giảng dạy suốt hơn một học kỳ tại TPHCM. Theo các chuyên gia giáo dục, thì đây là hình thức giáo viên bạo lực tâm lý đối với học sinh. Sự việc chỉ được phát hiện khi tại một học sinh đứng lên chia sẻ tại buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh; Giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng ở trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng).
Gần đây nhất, chúng ta chứng kiến liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra theo nhiều hình thức khác nhau như đánh bạn, lột đồ, bắt bạn quỳ xin lỗi, đánh hội đồng gây thương tích… Không thể mô tả được đó là kiểu bạo hành gì khi những hành động xuất phát từ chính các bạn học sinh cùng lớp, cùng trường lại được thực hiện một cách dã man…Điển hình như vụ việc xảy ra tại Trường THCS Phù Ủng (Huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên): một nhóm khoảng 5 nữ sinh lớp 9 đã tham gia đánh hội đồng N.T.H.Y cùng lớp ngay tại lớp học. Thời điểm xảy ra sự việc là khi đã hết giờ học, không có sự chứng kiến của giáo viên. Clip ghi lại sự việc cho thấy, nhóm nữ sinh đã hung hãn lao vào lột quần áo, đánh, đấm vào mặt, ngực nữ sinh H.Y. Hình ảnh em H.Y bị lột sạch quần áo ngồi ôm mặt cố che chắn mình khiến cho người xem không khỏi phẫn nộ trước hành động bạo lực của nhóm nữ sinh kia.
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.
Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học; và mang vũ khí đến trường.
Bạo lực học đường là vấn nạn của giáo dục Việt Nam trong những năm qua và cả hiện tại. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên xuất hiện tin bài về nạn bạo lực học đường. Điều đó đã phản ánh thực trạng xuống cấp trầm trọng về đạo đức của một bộ phận không nhỏ học sinh và một số giáo viên. Có những vụ vi phạm nghiêm trọng đạo đức của học sinh và phẩm chất của giáo viên đã diễn ra mà chúng ta không ngờ tới. Giáo dục để giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn hoàn toàn nạn bạo lực học đường đang là mối quan tâm hàng đầu của các ngành chức năng, trong đó, có ngành giáo dục, gia đình và toàn xã hội. Đã có những nghiên cứu, những cuộc luận bàn, những Hội tảo về vấn đề bạo lực học đường được tổ chức, đã có những biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường được đưa ra. Nhưng, bạo lực học đường vẫn tiếp tục xảy ra, số lượng các vụ việc có chiều hướng gia tăng so với những năm trước, đặc biệt là những vụ việc nghiêm trọng.
Về nguyên nhân, từ nhiều góc độ khác nhau, rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, được phân tích thấu đáo, như:
Về phía gia đình, cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc con em đúng mực, thả lỏng các em với các trò chơi điện tử, ít quan tâm đến các mối quan hệ bạn bè của con em mình, người lớn trong gia đình cư xử với nhau và với con em chưa đúng, chưa gương mẫu trong cuộc sống …
Về phía nhà trường, nhà trường vẫn chú trọng dạy chữ mà chưa chăm lo đầy đủ cho việc dạy người, tư tưởng “học để thi; thi gì học nấy” vẫn còn rất nặng; hoạt động giáo dục toàn diện chưa được quan tâm đúng mức, việc giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh chưa thực sự có hiệu quả; một bộ phận thầy cô giáo không còn là “tấm gương sáng” cho học sinh noi theo, từ cách nói năng, cư xử với nhau, với người khác và với học sinh; các tổ chức như Đoàn thanh niên, Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa thực sự quan tâm công tác giáo dục đạo đức cho học sinh; hoạt động ngoại khóa có nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống còn mang tính hình thức, kém hiệu quả; hình thức xử lý học sinh có hành vi bạo lực học đường chưa thực sự hiệu quả; thầy cô, kể cả giáo viên chủ nhiệm hầu như ít quan tâm đến những khó khăn và diễn biến tư tưởng, tình cảm của học sinh; sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình và xã hội còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ …
Về phía xã hội, hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường nên đã và đang xuất hiện lối sống xa lạ, trái với những chuẩn mực đạo đức xã hội đã ảnh hưởng lớn đến học sinh; sự thiếu những điều kiện để tổ chức các hoạt động sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, trong khi có những bộ phim, trò chơi điện tử và những ấn phẩm văn hóa khác không mang tính giáo dục nhưng vẫn được phổ biến rộng rãi; những vụ vi phạm pháp luật ở nhiều dạng khác nhau của người lớn; công tác phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao, chưa thực sự có hiệu quả …
Về phía học sinh, qua các vụ việc có thể thấy, bạo lực học đường có cơ sở tự sự phát triển nhanh về tâm sinh lý ở học sinh trung học, đặc biệt là trong giai đoạn tuổi thiếu niên, như sự xuất hiện những dấu hiệu của tuổi dậy thì, sự phát triển nhanh về mặt thể chất, trí tuệ. Những thay đổi này được học sinh ý thức rất rõ, làm cho các em có cảm giác “mình không còn là trẻ con nữa”, từ đó học sinh thường đánh giá mình cao hơn thực tế. Điều đó biểu hiện ở việc các em mong muốn được thể hiện những suy nghĩ, quan điểm, sự tự tin và hành xử theo cách riêng của mình, không phụ thuộc vào người lớn, trong khi các em chưa ý thức được hết những hành vi do mình thực hiện có thể gây ra những hậu quả không tốt cho người khác và cho bản thân.
Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội truyền thông phòng chống bạo lực học đường tại Trường THCS Phúc Diễn (Quận Bắc Từ Liêm)
Ảnh: Phòng Đào tạo và PTCĐ
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, trong môi trường học đường vấn đề văn hóa kiểu ứng xử, xử lý mâu thuẫn bằng cách xúc phạm, xâm phạm, hạ nhục, đe dọa ngày càng có xu hướng gia tăng bằng nhiều hình thức khác nhau. Điều đó cho thấy chính văn hóa của các em đang rất có vấn đề.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khẳng định rằng, “Nhà trường phải chịu trách nhiệm và rõ ràng sự việc xử lý chưa thấu đáo, chưa đến nơi đến chốn nên đã dẫn đến việc đình chỉ trách nhiệm quản lý, công tác. Dẫu có chút đáng buồn nhưng nó có thể là tín hiệu cho thấy cần phải quyết liệt để răn đe hơn trong giáo dục”.
Tuy nhiên, vấn đề liệu chỉ nằm ở việc giáo dục học sinh, thầy cô và nhà trường? Những hành vi của bạn học sinh thiếu sự cân nhắc về hậu quả; nuông chiều cái tôi và được đẩy đi theo hướng làm nhục người khác trên nhiều cấp độ như: quỳ gối, tát, đấm và cả việc lột trần… Ngẫm để thấy chính những sự lạnh lùng, chính những áp lực từ mục tiêu “bảo vệ danh dự”, thể hiện mình khi đe dọa bạn đồng trang lứa buộc học sinh đã hành xử thế.
Các em học sinh Trường THCS Xã Thanh Văn (Thanh Oai) hào hứng trả lời các câu hỏi do giảng viên đưa ra trong một buổi truyền thông phòng chống bạo lực học đường.
Ảnh: Phòng Đào tạo và PTCĐ(Trung tâm CCDV công tác xã hội Hà Nội
Vậy cần có những giải pháp nào để hạn chế bạo lực học đường
Từ đó, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, nguyên nhân của những sự vụ đáng buồn là việc giáo dục chưa tới, chưa sâu sắc vào thế giới riêng của học trò. Nhưng đó là sự dạy dỗ mang tính làm người. Ở đây, nhà trường và xã hội cùng với gia đình phải có trách nhiệm.
Do đó, Ngành giáo dục và nhiều ban ngành khác trong xã hội đã và đang có nhiều nỗ lực. Những thay đổi về chương trình giáo dục được thực hiện bằng nhiều giọt mồ hôi và nước mắt của nhiều người thì chỉ cần những hành động trên đã làm giảm đi niềm tin ngay lập tức…
Chỉ có cách nhìn đủ, hành động đúng mà không chỉ là lời nói; phải bằng hành động từ trái tim với sự soi sáng bởi khối óc của mỗi người dẫu ở vị trí này hay khác. Đánh giá về bạo lực học đường, bày tỏ chính kiến và thái độ; đề xuất và cả bình luận có liên quan đến bạo lực học đường cần lắm cái nhìn đúng và đủ, hành động đủ và thông tuệ mới có thể giải quyết vấn đề có trọng điểm và căn cơ.
Học sinh Trường THCS Tam Hưng (Thanh Oai) tham dự
buổi truyền thông Phòng chống bạo lực học đường
Ảnh: Phòng Đào tạo và PTCĐ
Cùng với các ban, ngành, đoàn thể khác, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã có những hoạt động góp phần phòng tránh và hạn chế nạn bạo lực học đường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm đã tổ chức bổ sung kỹ năng sống cho 1.875 trẻ em; trên 30 cuộc tư vấn, nói chuyện chuyên đề về kỹ năng ứng xử trong phòng, chống bạo lực gia đình cho 445 phụ nữ tại các xã, phường.
Tổ chức 02 lớp tập huấn công tác xã hội trong trường học cho 120 giáo viên, cán bộ làm công tác xã hội các trường học tại huyện Thanh Oai và 05 lớp tập huấn CTXH trong trường học cho trên 400 giáo viên, cán bộ làm CTXH các trường học tại huyện Chương Mỹ và Quận Hà Đông, trong đó lồng ghép các nội dung về phòng chống bạo lực học đường. Tổ chức 24 cuộc truyền thông “Phòng chống bạo lực học đường”, “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên” cho hơn 9.300 học sinh trung học cơ sở tại các quận/huyện Thanh Oai, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạnh Thất, Quốc Oai.
Trong những năm tới, xác định vấn đề bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội tiếp tục có những hoạt động như: Tổ chức tập huấn công tác xã hội trong trường học cho giáo viên, cán bộ làm CTXH các trường học; Tổ chức các cuộc truyền thông “Phòng chống bạo lực học đường”; tổ chức bổ sung kỹ năng sống cho trẻ em; các cuộc tư vấn, nói chuyện chuyên đề về kỹ năng ứng xử trong phòng, chống bạo lực học đường để góp phần phòng ngừa bạo lực học đường trên địa bàn Thành phố./.
Thạc sỹ Trịnh Thị Phương
Trưởng phòng Đào tạo và phát triển cộng đồng
Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
– Ý kiến của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn;
– Hành vi Bạo lực học đường Thạc sỹ Mai Mỹ Hạnh;
– Thạc sỹ, NCS Bùi Hồng Quân