TIN TỨC

Tập huấn quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại
Ngày đăng: 2023-01-04 16:30:09

         Trong thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em; bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em; đặc biệt là công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhưng chưa áp dụng các biện pháp can thiệp. Hình thức can thiệp chủ yếu là thăm hỏi, động viên, tặng quà mà chưa thực hiện đầy đủ quy trình hỗ trợ, can thiệp theo quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

         Theo quy định, phải tiến hành Quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhằm đánh giá, xác định và thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời, phù hợp với từng trẻ, với nhiều biện pháp như: chăm sóc y tế; trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ bị bạo lực, bị xâm hại; tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em…

         Nhằm hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên chăm sóc trẻ em của các xã, thị trấn của huyện Ứng Hoà, ngày 29 tháng 12 năm 2022, Phòng Tư vấn và Trợ giúp – Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã hỗ trợ phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Ứng Hoà báo cáo viên của lớp tập huấn về “Quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại”.

         Tham dự lớp tập huấn có hơn 200 người là Phó chủ tịch phụ trách công tác văn hoá xã hội, cán bộ làm công tác Lao động – TB&XH, cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trực tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ứng Hoà. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị tập huấn có đồng chí Nguyễn Hạnh Vân – Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Ứng Hoà.

         Tại lớp tập huấn, báo cáo viên Hoàng Hạnh Tâm đã hướng dẫn các học viên thực hiện công tác hỗ trợ, can thiệp đối với  trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ được cụ thể hóa qua 6 bước cơ bản của Quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại: 

          Bước 1. Tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin.

         Bước 2. Đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

         Bước 3. Xác định nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp của trẻ em  bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

         Bước 4. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

         Bước 5. Thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

         Bước 6. Rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Ảnh: Báo cáo viên chia sẻ về Quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại

         Bên cạnh đó, các học viên đã được cung cấp kiến thức về quy trình hỗ trợ, can thiệp; vai trò, trách nhiệm của cán bộ bảo vệ trẻ em và các cán bộ liên quan trong thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại; hiểu và bước đầu vận dụng các kỹ năng cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ trong quy trình hỗ trợ can thiệp đối với mỗi trường hợp trẻ cần sự trợ giúp; nhận thức được tầm quan trọng, vai trò trách nhiệm và các nguyên tắc trong làm việc với trẻ em cần sự trợ giúp. 

         Tại lớp tập huấn, báo cáo viên cũng hướng dẫn học viên thực hành các biểu mẫu của Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.

         Từ đó, giúp cho cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở thực hiện tốt các bước trong quy trình hỗ trợ, can thiệp để xử lý các trường hợp trong thực tế được đầy đủ, đúng theo pháp luật và hỗ trợ, can thiệp tốt nhất cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.

Ảnh: Học viên phát biểu, trao đổi tại lớp tập huấn

         Kết thúc buổi tập huấn, cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em các xã, thị trấn có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng giúp cho việc thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ngày càng tốt hơn./.

Hoàng Hạnh Tâm – TT CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội