GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP
Visit Today : 73 |
Total Visit : 1396228 |
Hits Today : 521 |
Who's Online : 1 |
TIN TỨC
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới là ưu tiên của các quốc gia trên toàn thế giới nhằm hướng tới bình đẳng giới. Trước những vấn đề nghiêm trọng của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, câu hỏi được đặt ra là khi bị bạo lực thì họ muốn tự giải quyết vấn đề của mình hay cần tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài? Trường hợp họ cần tìm sự trợ giúp thì họ có thể tìm ở đâu và có dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ không? Các dịch vụ hỗ trợ có đáp ứng được nhu cầu của họ không? Nghiên cứu cho thấy hầu hết bạo lực đối với phụ nữ là do chồng, bạn tình hoặc người quen biết gây ra. Đa số các trường hợp bạo lực giới xảy ra, nạn nhân thường không tìm kiếm sự trợ giúp vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây được coi là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Có nhiều hình thức bạo lực giới như bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục… Bạo lực giới có thể xảy ra trong bất kỳ địa điểm nào như trong gia đình, tại nơi công cộng, trường học, nơi làm việc. Bạo lực giới có thể gây ra hậu quả nặng nề đối với nạn nhân, gia đình và cộng đồng như suy yếu sức khỏe, tổn thất về tài chính, kinh tế, xã hội, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của cá nhân và tăng nguy cơ gặp phải các loại hình bạo lực khác.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới, cần phải có bộ tài liệu về công tác xã hội với người bị bạo lực trên cơ sở giới. Nhằm xây dựng bộ tài liệu chuẩn về công tác xã hội với người bị bạo lực trên cơ sở giới, từ ngày 20/7 đến 21/7/2023, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức Lao động xã hội – Trường Đại học Lao động và Xã hội phối hợp Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) đã tổ chức lớp tập huấn thí điểm tài liệu “Bồi dưỡng viên chức, nhân viên công tác xã hội về cung cấp dịch vụ xã hội cho người bị bạo lực giới”. Tham dự lớp tập huấn có Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân – Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức LĐXH , Phó hiệu trưởng trường Đại học Lao động – Xã hội, bà Hà Thị Vân Khánh – đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc cùng 24 học viên là nhân viên, công chức văn hoá xã hội đang công tác tại các Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, huyện Ba Vì, huyện Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.
Ảnh: Ts. Nguyễn Thị Vân – Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức LĐXH Phó hiệu trưởng trường Đại học Lao động – Xã hội phát biểu khai mạc
Tại lớp tập huấn, các học viên được TS. Nguyễn Thị Vân truyền đạt những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất về công tác xã hội với người bị bạo lực trên cơ sở giới, như: các khái niệm liên quan đến giới và bạo lực trên cơ sở giới; nhận diện được các hình thức, nguyên nhân và hậu quả bạo lực trên cơ sở giới; xác định được các loại hình dịch vụ xã hội dành cho người bị bạo lực trên cơ sở giới và vai trò của nhân viên xã hội trong cung cấp dịch vụ xã hội cho người bị bạo lực giới; các kỹ năng, nhận diện và làm việc với người bị bạo lực giới”; vai trò của người làm nghề công tác xã hội trong trợ giúp người bị bạo lực giới, chủ động trong việc áp dụng các phương pháp, các kỹ năng phù hợp trong trợ giúp người bị bạo lực giới, tuân thủ các nguyên tắc cung cấp dịch vụ trợ giúp người bị bạo lực giới. Thông qua các hoạt động thảo luận nhóm, chơi trò chơi, giảng viên đã giúp đội ngũ viên chức làm công tác xã hội tự tin hơn trong quá trình xây dựng, triển khai các hoạt động tại đơn vị nhằm bảo đảm cho người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng, đặc biệt các hành động vì sự an toàn và hòa nhập của phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn thành phố.
Qua 02 ngày tập huấn, các học viên đã nắm được kiến thức chung nhất về giới và giới tính, định kiến giới, các tiêu chí nhận biết bạo lực giới: nguyên nhân, hậu quả, đối tượng và phạm vi của bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, giảng viên đã đưa ra trường hợp thực tế để học viên áp dụng ngay các kiến thức đã học vào đối tượng cụ thể để nâng cao kỹ năng nhận biết, xử lý và can thiệp theo quy trình mà học viên được lĩnh hội từ lý thuyết đến vận dụng.
Ảnh: Học viên trình bài thảo luận nhóm
Kết thúc lớp tập huấn, bà Hà Thị Vân Khánh – đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc đánh giá cao về tinh thần học tập nghiêm túc, nhiệt tình của các học viên cũng như đảm bảo tốt thời gian, tiến độ của từng nội dung tài liệu, bà mong muốn các học viên áp dụng được các phương pháp, kỹ năng làm việc với người bị bạo lực trên cơ sở giới tại trung tâm, địa phương đang công tác góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đây cũng là cơ sở để Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức lao động xã hội phối hợp với Quỹ dân số Liên hiệp quốc hoàn thiện bộ tài liệu chuẩn về “Công tác xã hội với người bị bạo lực trên cơ sở giới” trong thời gian tới.
Ảnh: Học viên chụp ảnh lưu niệm với giảng viên
Hoàng Hạnh Tâm – TT CTXH & Quỹ BTTE Hà Nội
CÁC TIN KHÁC:
- Hội thảo Công tác xã hội trong hỗ trợ đối tượng yếu thế phục hồi sau biến cố
- Công tác tự đào tạo cán bộ tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội
- Tập huấn chuyên sâu kiến thức, kỹ năng tư vấn, tham vấn trong can thiệp, trợ giúp cho trẻ em bị xâm hại.
- Toạ đàm “Thách thức và Giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục”