TIN TỨC

Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề VÌ CUỘC SỐNG AN TOÀN, LÀNH MẠNH CHO TRẺ EM TRONG THẾ GIỚI CÔNG NGHỆ SỐ
Ngày đăng: 2022-06-30 09:44:01

Ngày 05/4/2016, Quốc hội khóa XIII đã nhất trí thông qua Luật Trẻ em và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017 đúng vào ngày Quốc tế thiếu nhi. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam có quan điểm, đường lối nhất quán về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thực hiện các quyền của trẻ em. Điều này cũng đã được khẳng định xuyên suốt trong Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990 mà không bảo lưu điều, khoản nào. Từ những cơ sở pháp lý và đạo đức xã hội các gia đình, đặc biệt là các bậc làm cha, làm mẹ luôn cố gắng dành những gì tốt nhất cho con mình để các con được phát triển toàn diện về thể chất và tình thần, được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục phù hợp với sức khỏe, điều kiện kinh tế của gia đình và khả năng nhận thức để trẻ em  trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Ngày 09/5/2017,Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ – CP Quy định chi tiết một số điều Luật trẻ em và Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Từ khi Luật trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ – CP có hiệu lực thi hành đã có tác động tích cực trong công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Đặc biệt là hoạt động hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội (trung tâm) trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thực hiện các hoạt động tiếp nhận thông tin 24/24 h hàng ngày vào tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết về các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp qua đường dây nóng tại số máy điện thoại: 02433.525.662 hoặc số máy 0912. 902.611 hoặc đến trực tiếp trung tâm tại số 45 Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội gồm: trẻ em bị bỏ rơi; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú và một số đối tượng khác nếu không được bảo vệ khẩn cấp có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng: trẻ mất nguồn nuôi dưỡng, người bị lạc, người lang thang chưa xác định được địa chỉ cư trú có biểu hiện rối loạn nhận thức hành vi. Khi tiếp nhận đối tượng cán bộ trung tâm sẽ thực hiện việc đánh giá các nhu cầu của đối tượng, sàng lọc và phân loại đối tượng. Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi đối tượng tới các cơ sở y tế, cơ quan công an, tư pháp hoặc các cơ quan cung cấp dịch vụ khác; cung cấp các dịch vụ điều trị y tế ban đầu, tham vấn, tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội…. Bên cạnh hoạt động trợ giúp đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp trung tâm còn tổ chức các hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn, phát triển cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao

Trong quá trình cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, số đối tượng là trẻ em chiếm tỷ lệ trên 50%, trung tâm luôn nhận được sự phối hợp, cộng tác tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội và người dân. Trẻ em là đối tượng rất cần được bảo vệ thông qua việc thực hiện các biện pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình, trường học, khu dân cư và cả trên môi trường mạng để trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chăn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Căn cứ điều 11 Luật trẻ em năm 2016, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Tháng hành động vì trẻ em. Ngày 20/4/2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn số: 1499/LĐTBXH- TE về việc triển khai Tháng hành động vì trẻ em   với chủ đề “ Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” Đây cũng là dịp để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 các gia đình, cơ quan, tổ chức xã hội đều tổ chức các hoạt động thăm quan du lịch, tặng quà, liên hoan văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao…các bậc cha mẹ sẽ dành thời gian đi chơi cùng con, tặng cho con những đồ chơi, sách vở…chia sẻ cùng con về những công việc con thích. Trẻ em rất vô tư và trong sáng nên trẻ thích gì là trẻ nói ra như vậy nên trong dân gian mới có câu: đi  hỏi già về nhà hỏi trẻ. Có ông bố, bà mẹ đôi khi có những phản ứng thiếu tích cực như khi hỏi con: lớn lên con thích làm nghề gì ? con thích bán hàng buổi sáng, thích làm thợ xây, thợ điện..…là cảm thấy không vui và đã có những chia sẻ với con: bố, mẹ không được học hành, nên nghề nghiệp không có, cuộc sống vất vả, nay cố gắng cho con được học hành để trở thành bác sỹ, kỹ sư… để cuộc sống đỡ vất vả như bố, mẹ. Vậy con chỉ thích làm thợ xây, thợ điện là không được.Trẻ em trả lời theo cách hiểu của trẻ em và  sẽ có sự thay đổi khi nhận thức được nâng lên qua học tập, rèn luyện và chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, đặc biệt là cách đối xử của bố mẹ với nhau và bố, mẹ với từng đứa con và với các thành viên gần gũi trong gia đình như: ông, bà, cô, dì, chú, bác… do đó gia đình chỉ đóng vai trò hỗ trợ, định hướng cho con, tạo cơ hội cho con được làm những công việc con thích tạo ra thu nhập chính đáng và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình mà không bị pháp luật cấm. Mọi việc áp đặt, làm thay công việc cho các con đều có kết quả không tích cực, thậm chí còn gây cho con tâm lý chán nản, tiêu cực, thực tế nhiều gia đình ép con học quá nhiều, đặt cho con phải học và đạt được các thành tích cao hơn khả năng của con, đầu tư tiền, thời gian cho con tham gia học thêm rất nhiều như: toán, văn, ngoại ngữ, âm nhạc, võ thuật… và hậu quả là trẻ bị trầm cảm, stress, thậm chí có trẻ em đã tự tử. Ngày nay, với thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ số, trẻ em được tiếp cận với Internet rất sớm, đặc biệt là trẻ em ở các thành phố, thị xã,.. các khu công nghiệp phát triển. Trên môi trường mạng có rất nhiều thông tin về khoa học, công nghệ, các kiến thức về văn hóa, khoa học công nghệ hỗ trợ tích cực cho việc nâng cao kiến thức về văn hóa, kỹ năng sống cho trẻ em…. nhưng trên môi trường mạng Internet cũng có rất nhiều thông tin không lành mạnh gây tổn hại cho trẻ em. Do đó, các cơ quan liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức, đặc biệt là các gia đình có máy tính kết nối mạng Internet cần phải hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

Để bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng, các gia đình nên đặt máy tính và cho con sử dụng tại các vị trí dễ quản lý, theo dõi các hoạt động của trẻ khi khai thác, sử dụng chương trình trên môi trường mạng. Tuyệt đối không được công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trê em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Đây là những quy định rất cần được các bậc cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo… quan tâm. Khi đưa các thông tin, hình ảnh cá nhân trẻ trên môi trường mạng sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng khai thác thông tin, biết được các điều kiện, hoàn cảnh sống của trẻ em từ đó tìm cách tiếp cận, dụ dỗ thậm chí là đe dọa, khống chế trẻ em trên môi trường mạng để trục lợi, gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần cho trẻ em.

Để trẻ em được phát triển toàn diện thì việc tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận những thành tựu của công nghệ số là xu hướng tất yếu của mỗi gia đình, nhà trường, đặc biệt là khi nền kinh tế – xã hội nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới, đòi hỏi người lao động phải có ngoại ngữ, tin học để trở thành những công dân toàn cầu, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Nhưng để trẻ em tiếp cận với Internet một cách tích cực, hiệu quả đòi hỏi mỗi gia đình, nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt tại điều 77 Luật trẻ em đã quy định: Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức   đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em… cần có các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội thiết thực để góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em trên môi trường mạng để trẻ em được phát triển toàn diện./.

 

Nguyễn Ngọc Minh

 

                                                                                                                   Tài liệu tham khảo

  •                                                                                                                        Luật trẻ em;
  •                                                                                                                   Ảnh trên Internet