GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP







![]() |
![]() |
![]() |
![]() |

TIN TỨC
Ngày 26 tháng 12 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 33/2018/TT- BGDĐT Hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 2 năm 2019.
Thông tư này được áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam có người học dưới 18 tuổi; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Như vậy trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp… đã có cơ sở pháp lý để tổ chức công tác xã hội trong môi trường giáo dục, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân. Bảo vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật.
Công tác xã hội (CTXH) trong trường học góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng của cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh trong việc hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng người học. Hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong cơ sở giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng về CTXH trong môi trường giáo dục. Kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng cơ sở giáo dục thúc đẩy CTXH trong trường học.
Triển khai CTXH trong trường học sẽ tác động trực tiếp đến học sinh, gia đình và chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH tại cộng đồng, thực hiện việc hoạt động phòng ngừa như: tuyên truyền về các tác hại của tệ nạn xã hội, những biểu hiện về tâm lý, sinh lý lứa tuổi học trò, tình bạn, mối quan hệ thầy giáo, cô giáo, tình bạn khác giới, việc khai thác, sử dụng mạng internet… để nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình trong quá trình ứng phó với những diễn biến tiêu cực trong môi trường học đường. Hướng dẫn học sinh, cha mẹ hoặc người giám hộ của người học, giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục biết cách kết nối, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ học sinh như: Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, số điện thoại của công an địa phương, Trung tâm CTXH các cấp hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH tại cộng đồng… Tuy nhiên dù chúng ta có chủ động triển khai các hoạt động phòng ngừa bao nhiêu cũng chỉ hạn chế được các “ hạn chế” chứ không thể triệt tiêu được những “ hạn chế, bất cập trong môi trường giáo dục” do đó khi xẩy ra những vấn đề liên quan đến học sinh, giáo viên, người lao động trong môi trường học đường như: học sinh đánh nhau, học sinh bỏ học, học sinh mắc tệ nạn xã hội, học sinh vi phạm pháp luật… thì nhà trường cần chủ động, phối hợp, cộng tác với gia đình, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH tại cộng đồng để can thiệp, trợ giúp đối với người học cần can thiệp, trợ giúp khẩn cấp ( kể cả giáo viên, người có nhu cầu can thiệp, hỗ trợ) nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho con người khi có nhu cầu. Sau khi người cần can thiệp, hỗ trợ đã được bảo đảm an toàn, nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp, cộng tác để và đáp ứng các nhu cầu cơ bản như: nơi cơ trú, thức ăn, quần áo… cơ quan chức năng sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ, can thiệp giúp cho người học hoặc giáo viên hòa nhập môi trường giáo dục. Hạn chế tối đa việc tách học sinh ra khỏi môi trường giáo dục, vì đó là “ mầm mống” đẩy người học vào tình trạng thất học, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động xã hội như: bỏ nhà đi lang thang, vi phạm pháp luật, gây ra những “bất ổn” cho những học sinh trong môi trường giáo dục. Thực tế đã có học sinh khi bị đuổi học đã trả thù bạn bè, thầy giáo, cô giáo gây hậu quả xấu cho xã hội.
Từ năm 2015 đến nay,Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội( Trung tâm) trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ động tham mưu với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình UBND thành phố Hà Nội bố trí kinh phí tổ chức các chương trình truyền thông, khảo sát nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH, bổ sung kỹ năng sống, tập huấn kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực CTXH trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học. Căn cứ Kế hoạch tập huấn CTXH trong các trường học và các xã, phường, thị trấn của UBND thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Sở LĐ – TBXH và Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm phối hợp với phòng Công tác chính trị tư tưởng tổ chức được tập huấn 5 lớp CTXH trong trường học cho Lãnh đạo, cán bộ làm công tác đoàn, đội, nhân viên y tế học đường, học sinh tại huyện Thanh Oai, Chương Mỹ và quận Hà Đông . Đặc biệt trong năm học 2017 – 2018, được sự đồng ý của Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở LĐ – TBXH thành phố Hà Nội, Trung tâm đã chủ động phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai tổ chức triển khai mô hình CTXH trong tất cả các trường tiểu, trung học cơ sở trên địa bàn huyện,trong đó lựa chọn trường Tiểu học Tam Hưng và trường THCS Phương Trung là mô hình điểm. Sau khi đã thống nhất được nội dung, chương trình, hình thức tổ chức các hoạt động của mô hình như: tập huấn kiến thức, kỹ năng CTXH trong trường học với cá nhân, nhóm, giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, số điện thoại tiếp nhận thông tin 24/24 h, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết tại số máy 024 33 525 662 và số di động 0912 902 661, Email: ttccdvctxh_soldtbxh@hanoi.gov.vn; Website http: www.dichvuctxh.hanoi.gov.vn đến cán bộ quản lý, giáo viên,học sinh có nhu cầu kết nối với các dịch vụ tại trung tâm qua điện thoại, email hoặc đến trực tiếp Trung tâm tại địa chỉ số 45 Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. Giới thiệu Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ – CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. Thu thập số liệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các trường tiểu học, trung học cơ sở theo tiêu chí tại điều 10 Luật trẻ em với các tiêu chí sau: tên trường, lớp học, họ tên bố, mẹ, nghề nghiệp hoàn cảnh khó khăn của từng em. Kết quả: Khối các trường tiểu học có 189 trẻ em; Khối trung học cơ sở có 75 trẻ em. Đây là căn cứ để hướng dẫn cho giáo viên, cán bộ đoàn, đội, nhân viên y tế học đường có căn cứ xây dựng kế hoạch trợ giúp cho học sinh theo các quy định của nghề CTXH. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai, tất cả các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều được Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, giáo viên chủ nhiệm triển khai các hoạt đỗng trợ giúp xã hội để không học sinh nào phải bỏ học. Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động trợ giúp về sách vở, miễn giảm các khoản đóng góp với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Trường THCS Phương Trung đã hỗ trợ 116 học sinh con hộ nghèo, 9 học sinh khuyết tật, trong đó 02 học sinh mồ côi cả cha và mẹ; tổ chức các hoạt động quyên góp ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán được 5.560.000 đồng…Những kết quả trong quá trình triển khai mô hình công tác xã hội tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Thanh Oai cho thấy việc hình thành phòng CTXH trong các trường học là phù hợp với mục tiêu chung tại Quyết định số 327/QĐ – BGDĐT ngày 25/01/2017 là: “ Phát triển CTXH trong ngành Giáo dục nhằm từng bước hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong tất cả các nhà trường trên toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; cung cấp nguồn nhân lực cho các ngành sử dụng nhân viên CTXH chuyên nghiệp”.Nhận thức của cán bộ lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai và đội ngũ lãnh đạo, cán bộ đoàn, đội, nhân viên y tế học đường và giáo viên chủ nhiệm của các trường được lựa chọn làm mô hình điểm đã có những thay đổi tích cực và đều có nguyện vọng được triển khai mô hình phòng CTXH trong tất cả các trường học vì đây là nhu cầu của học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh và các cấp chính quyền cơ sở, hoạt động CTXH góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong quá trình hội nhập quốc tế trước tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư 33/2018/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn công tác xã hội trong trường học cần đòi hỏi sự phối hợp, cộng tác tích cực của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, các cơ sở đào tạo, các trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH, Bảo trợ xã hội và các tổ chức chính trị xã hội gắn với cộng đồng, trong đó Ngành Giáo dục và Đào tạo là đơn vị chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục với cơ quan Lao Động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm công tác xã hội và các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại địa phương để hỗ trợ thực hiện hoạt động CTXH trong trường học và tiếp nhận các trường hợp người học được chuyển gửi để sử dụng các dịch vụ bên ngoài trường học.Thông tư 33/2018/TT- BGDĐT, cũng quy định trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban nhân dân các cấp; Thủ trưởng các cơ sở giáo dục; trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục; trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh; trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Đội trong cơ sở giáo dục; trách nhiệm của người học trong cơ sở giáo dục và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo ngành CTXH. Với những cơ sở pháp lý và sự phối hợp, cộng tác của Gia đình – Nhà trường – Xã hội công tác xã hội trong trường học sẽ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần hạn chế tình trạng bạo lực học đường, xây dựng môi trường ngày càng an toàn./.
Nguyễn Ngọc Minh
Tài liệu tham khảo:
- Thông tư 33/2018/TT- BGDĐT;
- Kết quả mô hình CTXH tại huyện Thanh Oai, Hà Nội.