TIN TỨC

Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đưa người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 về Trung tâm để chăm sóc, nuôi dưỡng
Ngày đăng: 2024-02-09 14:50:17

         Không khí háo hức chào đón năm mới Giáp Thìn 2024 đang lan tỏa khắp nơi trên dải đất hình chữ S. Tại thủ đô Hà Nội, đâu đâu cũng ngập tràn hương sắc mùa xuân. Các trục đường đã được trang hoàng ngập tràn cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024. Người người nhà nhà đang nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cổ truyền. Đối với người Việt, Tết Nguyên đán hết sức quan trọng và linh thiêng, được nhiều người mong đợi, nhất là những người đi làm ăn xa nhà, trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ; cùng nhau nhìn lại những việc đã làm trong năm cũ, đồng thời thực hiện các tập tục văn hóa tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng.

          Dẫu vậy, ngoài kia vẫn còn những mảnh đời thiệt thòi, Tết đến Xuân về, thời tiết giá lạnh vẫn lang thang sinh sống nơi gầm cầu, công viên, vỉa hè, … với những bộ quần áo nhăn nhúm, co ro thu mình trong chiếc chăn mỏng, lo từng bữa ăn.

Ảnh: Người lang thang sinh sống dưới gầm cầu khu vực Giải Phóng-Hoàng Liệt ngày 29 Tết Giáp Thìn 2024

         Thực hiện chính sách của Thành phố là tập trung chăm lo để đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, với tinh thần mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đã triển khai công tác đưa người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 về Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, nhằm góp phần làm tốt công tác an sinh của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Tiến Trung – Phó giám đốc Trung tâm họp chỉ đạo Đội trật tự xã hội về công tác đưa người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 về Trung tâm ăn Tết

          Theo đó, trong thời gian từ ngày 29 Tết đến hết ngày mồng 5 Tết (từ 08/02 đến hết ngày 14/02) Đội trật tự xã hội của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em triển khai kế hoạch rà soát địa bàn bằng xe máy, ô tô trong các khung giờ từ 7h đến hết 22h (riêng ngày 30 Tết đi từ 7h đến hết 24h); các ca địa bàn tập trung kiểm tra các khu vực công cộng như: gầm cầu, bến xe, công viên, vườn hoa, vỉa hè các tuyến phố lớn, … khi phát hiện người lang thang sinh sống nơi công cộng thì trực tiếp đưa về Trung tâm ăn Tết. Bên cạnh đó, Trung tâm giữ mối liên hệ thường xuyên, liên tục với các xã, phường, thị trấn, nắm bắt đầy đủ thông tin, phối hợp kịp thời khi có phản ánh để tiếp nhận người lang thang do các xã, phường, thị trấn tập trung và bàn giao.

          Ngay trong ngày 29 Tết, Đội trật tự xã hội của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em đã đưa 03 người lang thang sinh sống nơi công cộng về Trung tâm ăn Tết, trong đó: 02 người lang thang sinh sống dưới gầm cầu vành đai 3 khu vực Giải Phóng-Hoàng Liệt, 01 người lang thang sinh sống dưới gầm cầu khu vực đường Phạm Văn Đồng – Hoàng Quốc Việt.

Ảnh: Người lang thang sinh sống nơi công cộng được mời lên xe để đưa về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em ăn Tết

          Anh T.V.L sinh năm 1992, quê quán tại huyện Hữu Lũng – Lạng Sơn, sinh sống dưới gầm cầu vành đai 3 khu vực Giải Phóng – Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong ngày 29 Tết, được đưa về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em ăn Tết, đã chia sẻ: anh lên Hà Nội làm lao động chân tay như phụ hồ, bốc vác  được 1 tháng nay. Nhưng cách đây 1 tuần, người chủ thuê anh lao động bỏ trốn, không trả tiền công; không tiền, không chỗ nương tựa, một thân một mình nơi đất lạ, nên 1 tuần nay anh phải ra gầm cầu sinh sống,  đi xin đồ ăn hoặc chờ cơm của các đoàn từ thiện, bữa no bữa đói, tối ngủ luôn dưới gầm cầu, Tết đến rồi nhìn dòng người ngoài đường tấp nập về nhà đón Tết mà anh không biết Tết này của mình sẽ như thế nào. Khi được đưa về trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em ăn Tết, anh T.V.L an tâm về nơi ăn chốn ngủ, được chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể đón Tết cổ truyền, được ăn mâm cơm Tết truyền thống mà cảm thấy ấm áp, yêu thương.

Ảnh: Người lang thang sinh sống nơi công cộng vào ăn Tết tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em được khám sức khỏe.

Ảnh: Bữa ăn của người lang thang trong Tết Giáp Thìn 2024 tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em

          Từ nay đến hết Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tiếp tục kiểm tra rà soát địa bàn 14 quận, huyện được giao để đưa người lang thang sinh sống nơi công cộng về Trung tâm ăn Tết, nỗ lực cố gắng hướng tới cái Tết mà không có người lang thang nào không có Tết.

Nguyễn Kim Hiển – TT CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội