GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP
Visit Today : 94 |
Total Visit : 1397381 |
Hits Today : 1314 |
Who's Online : 2 |
TIN TỨC
Ngày 25/3/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020.(gọi tắt là Quyết định 32).
Mục tiêu chung của Đề án là “ Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”.
Để thực hiện mục tiêu của Quyết định 32,ngày 03/11/2010, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2010- 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nghề công tác xã hội và các văn bản pháp luật về chính sách xã hội; Tổ chức rà soát nhu cầu đào tạo của viên chức, nhân viên, công tác viên làm công tác xã hội tại các cơ sở Bảo trợ xã hội và tại cộng đồng. Chủ động phối hợp, cộng tác với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về nghề công tác xã hội cho hàng ngàn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm công tác xã hội đang làm việc tại các hội, đoàn thể tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Được sự giúp đỡ của Cục bảo trợ xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhiều cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các phòng nghiệp vụ và các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện ma túy, trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng trực thuộc Sở đã được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo về quy trình cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội, nhiều đồng chí đã được cấp bằng thạc sỹ chuyên ngành Công tác xã hội, đây là nguồn lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội tại các trung tâm và tại cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội , ngày 21 tháng 3 năm 2014, UBND Thành phố đã bàn hành Quyết định số: 1541/QĐ – UBND về việc thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội ( Trung tâm) trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội; tên gọi tắt: Trung tâm công tác xã hội; tên giao dịch quốc tế: Hanoi Social Work Center. Địa chỉ tại số 45 Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Trung tâm có chức năng: Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các đối tượng xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định của pháp luật.
Đối tượng phục vụ:
– Đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp quy định tại khoản 2 điều 5 Nghị định 68/2008/NĐ – CP ( trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động);
– Người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/ADIS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân bị phân biệt đối xử về giới, người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp;
– Đối tượng khác có nhu cầu cần sử dụng dịch vụ công tác xã hội.
Hiệp hội công tác xã hội quốc tế và các trường đào tạo công tác xã hội quốc tế ( 2011) thống nhất một định nghĩa về công tác xã hội như sau: “Công tác xã hội là nghề nghiệp tham gia vào giải quyết các vấn đề liên quan tới mối quan hệ của con người và thúc đẩy sự thay đổi xã hội, tăng cường sự trao quyền và giải phóng quyền lực nhằm nâng cao chất lượng sống của con người. Công tác xã hội sử dụng các học thuyết về hành vi con người và lý luận về hệ thống xã hội vào can thiệp sự tương tác của con người với môi trường sống”.
Là một đơn vị cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp, trong những năm qua cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm đã chủ động tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các Sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và các cơ quan liên quan từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn triển khai các dịch vụ công tác xã hội theo chức năng, đối tượng phục vụ được giao, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực góp phần trợ giúp cho các đối tượng xã hội vượt qua khó khăn, hòa nhập đời sống cộng đồng cụ thể như sau:
Cung cấp dịch vụ trợ giúp khẩn cấp, tư vấn, tham vấn, quản lý trường hợp và hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng
Trung tâm đã thực hiện việc tiếp nhận thông tin hỗ trợ các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp qua đường dây nóng tại số máy 024. 33 525 662 và số máy di động: 0912. 902.611 tiếp nhận thông tin 24/24 giờ kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết; hoặc gửi đề xuất, kiến nghị, góp ý trong quá trình cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội vào hòm thư điện tử Email: ttccdvctxh_soldtbxh@hanoi.gov.vn; hoặc đến trực tiếp với trụ sở của Trung tâm tại số 45 Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội. Trung tâm đã tiếp nhận và trợ giúp cho trên 100 đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp theo quy định, tư vấn, tham vấn quản lý trường hợp gần 1000 người và đã thực hiện hàng ngàn lượt tư vấn, tham vấn về tâm lý, cơ chế, chính sách Nhà nước và của Thành phố Hà Nội.
Chủ động phối hợp với các trường trung học cơ sở và các xã, phường, thị trấn tổ chức các chương trình bổ sung kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, tham vấn, tư vấn tâm lý tình cảm, kết nối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để trợ giúp các đối tượng vượt qua khó khăn, tiếp tục đi học, trở về gia đình, cộng đồng. Tất cả các đối tượng được Trung tâm tiếp nhận đều được đánh giá các nhu cầu, sàng lọc và phân loại đối tượng, đảm bảo an toàn , đáp ứng các nhu cầu cơ bản như: nơi cư trú, thức ăn, quần áo, những trường hợp không xác định được địa chỉ cụ thể đều được Trung tâm tham mưu, đề xuất với Sở LĐ- TBXH đưa vào nuôi dưỡng lâu dài tại các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố Hà Nội.
Thực hiện Quyết định số 519/QĐ-SLĐTBXH ngày 09/6/2015 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội về việc giao nhiệm vụ cho Trung tâm triển khai thực hiện dự án “Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Tổ chức Holt International Children Service, Inc – Mỹ tài trợ .Trung tâm đã phối hợp với tổ chức phục vụ trẻ em quốc tế Holt triển khai thực hiện dự án tại các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai và quận Hà Đông. Tổng số kinh phí hỗ trợ đến tháng 9/2017 là 1.768.499.200 VNĐ. Trong quá trình thực hiện dự án Trung tâm luôn nhận được sự phối hợp tích cực, nhiệt tình của chính quyền địa phương,đặc biệt là các trường học và các gia đình được dự án hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời giúp cho trẻ em có thêm điều kiện học tập, hỗ trợ dinh dưỡng, hỗ trợ sinh kế cho một số hộ gia đình khó khăn, phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ.Toàn bộ nguồn kinh phí hỗ trợ được chi tiêu đúng theo quy định của dự án.
Cung cấp các dịch vụ về đào tạo, tập huấn, truyền thông và phát triển cộng đồng theo chức năng của nghề công tác xã hội
Trung tâm đã chủ động phối hợp với Khoa xã hội, đại học Khoa học xã hội và Nhân văn xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề CTXH trình độ sơ cấp trình Sở LĐ – TBXH phê duyệt và đã tổ chức đào tạo được 02 lớp Sơ cấp nghề CTXH cho 80 người là cán bộ, người lao động tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội và Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội. Tổ chức tập huấn các lớp kỹ năng công tác xã hội cho 2.6900 người là cán bộ, viên chức, nhân viên, cán bộ các đoàn thể chính trị xã hội tham gia làm công tác xã hội ở 30 quận, huyện, xã, phường thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Năm 2107, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình UBND thành phố triển khai 02 lớp tập huấn về Tổng quan về công tác xã hội trong trường học cho 120 giáo viên, cán bộ trong các trường học; 08 lớp tập huấn kỹ năng nghề công tác xã hội cho 584 cán bộ làm công tác xã hội tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn Thành phố. Toàn bộ việc xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức giảng dạy đều do cán bộ trung tâm đảm nhận. Thông qua quá trình tương tác giữa giảng viên với học viên trong việc xử lý các tình huống thực tế phát sinh tại cơ sở đã giúp cho học viên vận dụng trực tiếp trong quá trình trợ giúp đối tượng tại cơ sở. Những ca khó,phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, cán bộ cơ sở có thể kết nối dịch vụ trực tiếp với trung tâm, nhiều cán bộ mong muốn sẽ thường xuyên được tham gia các chương trình tập huấn vì công tác xã hội là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của các đối tượng xã hội ngay trong từng gia đình và cộng đồng.
Tổ chức trên 40 cuộc truyền thông nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội với người cao tuổi; học sinh các trường trung học cơ sở tại phường Phú lương, Nguyễn Trãi, Phú La, Đồng Mai, Biên Giang, phường Đồng Mai quận Hà Đông và quận, huyện: Bắc Từ Liêm,Thanh Oai, Hà Đông, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạnh Thất, Quốc Oai… Phối hợp với Đài truyền thanh quận Hà Đông; tạp chí Lao động xã hội, báo Pháp luật và xã hội – Sở tư pháp; Báo Hà Nội; Báo Lao động xã hội, báo Pháp luật xã hội, Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội đăng và phát các tin bài viết về hoạt động của Trung tâm và giới thiệu các kiến thức, kỹ năng nghề công tác xã hội;
Trung tâm luôn tạo điều kiện cho các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và các địa phương thực hiện các chương trình truyền thông theo yêu cầu của các phóng viên đến khai thác các thông tin liên quan đến hoạt động tại trung tâm; Xây dựng nội dung và phát hàng hàng 100 ngàn tờ rơi giới thiệu về các dịch vụ xã hội do Trung tâm cung cấp tới các phòng LĐTBXH các quận, huyện, thị xã; một số đơn vị trực thuộc sở LĐTBXH; một số trường đại học, PTCS, PTTH; các sở, ban ngành Thành phố; các phòng, ban, ngành, các phường, đoàn thể trên địa bàn quận Hà Đông… để tuyên truyền cho người dân biết và tiếp cận các dịch vụ xã hội do Trung tâm cung cấp .
Chủ động tham mưu cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị truyền thông giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Hội nghị có sự tham gia đầy đủ của Lãnh đạo Công an Thành phố, Sở Lao động-TBXH, Công an 30 quận, huyện, thị xã, 6 phòng nghiệp vụ Công an Thành phố. Kết quả là công tác trợ giúp cho các đối tượng khẩn cấp, giúp đỡ, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng xã hội và cho trẻ mất nguồn nuôi dưỡng rất hiệu quả. Đã tổ chức cho cán bộ trung tâm khảo sát trực tiếp qua phiếu 655 hộ gia đình tại 17/17 phường tại quận Hà Đông về nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của một số nhóm đối tượng xã hội “ yếu thế” bao gồm: 355 người cao tuổi, 143 người khuyết tật, 45 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 78 hộ nghèo, 38 người tâm thần có biểu hiện rối nhiễu tâm trí. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương và họ rất cần có sự trợ giúp của các nhân viên công tác xã hội ngay tại địa bàn họ đang sinh sống để họ hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội. Trong quá trình khảo sát, cán bộ trung tâm cũng đã phối hợp với các chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục để một số đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp cho người khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con. Tạo điệu kiện cho sinh viên Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Lao động xã hội, Khoa Xã hội học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Học viện phụ nữ, Khoa Công tác xã hội trường Đại học sư phạm I Hà Nội.. thực tập tại trung tâm và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thực hành công tác xã hội cá nhân, nhóm, học sinh các trường PTCS… tại Phường Kiến Hưng, phường Phú Lãm; phường Biên Giang (quận Hà Đông) trong quá trình đi cộng đồng cán, bộ, giáo viên, sinh viên đã cùng người dân tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng của người dân và tìm các giải pháp giải quyết ngay tại cộng đồng; vận động người dân ủng hộ tiền mua thùng đựng rác phục vụ cho việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho thanh niên, học sinh; nói chuyện chuyên đề về phòng chống xâm hại tình dục, các biện pháp phòng bệnh với người già, tác hại của thuốc lá…
Điều 34, Hiến pháp năm 2013 quy định “ Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” chính sách an sinh xã hội bao gồm: chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm y tế, chính sách về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách về xóa đói giảm nghèo, chính sách với người có công, người khuyết tật… Hoạt động của Trung tâm chính là “cầu nối” giúp cho người dân đặc biệt là đối tượng “ yếu thế” tiếp cận các chính sách nhà nước. Như vậy khi người dân cần sự trợ giúp có thể điện thoại vào số máy: 02433.525.662 hoặc gửi thông tin qua Email: ttccdvctxh_soldtbxh@hanoi.gov.vn hoặc đến trực tiếp với trung tâm tại số 45 – Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. Việc này vừa nhanh, tiện lợi, tiết kiệm được thời gian đi lại của người dân. Đồng thời khắc phục được tình trạng lợi dụng sự thiếu thông tin về chính sách chế độ nhà nước giành cho người dân để các đối tượng “ cò mồi” để thu lợi bất chính. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ Trung tâm sẽ tư vấn, tham vấn, kết nối thông tin với các cơ sở dịch vụ xã hội tạo cơ hội cho người dân lựa chọn được loại hình dịch vụ phù hợp với điều kiện về kinh tế của cá nhân, gia đình và tự giải quyết vấn đề của mình hòa nhập đời sống cộng đồng. Đó chính là giải pháp quan trọng trong tiến trình thực hiện Hiến pháp về chính sách an sinh xã hội cho người dân. Đồng thời đây cũng là nơi người dân có thể phản ảnh về việc thực hiện chính sách nhà nước trong lĩnh vực xã hội tại cơ sở, nếu thấy chưa đúng, chưa thỏa đáng hay có những hạn chế, bất cập về chế độ chính sách xã hội mà người dân cần tham gia đóng góp, kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội góp phần nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành các chính sách xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội góp phần tích cực vào việc xây dựng chính sách an sinh xã hội theo hướng tiên tiến.
Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ Công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp
Từ những kết quả triển khai thực hiện Đề án 32 trong quá trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho thấy chức năng của nghề công tác xã hội như là nghề “ Bác sỹ xã hội” vì cán bộ, nhân viên các Trung tâm Công tác xã hội chuyên nghiệp phải triển khai, thực hiện đúng những chức năng của nghề công tác xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội đó là: Chức năng phòng ngừa, chức năng can thiệp, chức năng phục hồi, chức năng phát triển. Trongđó chức năng phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng. Những hoạt động giáo dục cách phòng chống tại nạn thương tích khi tham gia giao thông là khi đi xe máy phải học và có bằng lái xe, đội mũ bảo hiểm, tuân thủ luật giao thông, kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống tác hại thuốc lá, cách phòng chống ma túy, phòng chống bạo lực, phòng chống bị xâm hại tình dục… nếu mỗi cá nhân được trang bị kiến thức, kỹ năng thì sẽ giảm được các tai nạn, rủi gio, đồng thời khi gặp phải các tình huống trong cuộc sống họ sẽ biết cách ứng phó phù hợp, hạn chế được sự thiệt hại… Mỗi chức năng có những nhiệm vụ khác nhau nhưng đều có sự tương tác, hỗ trợ cho nhau nhằm đạt được mục tiêu đó là trợ giúp cho người dân tiếp cận được kịp thời các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật và cơ chế chính sách, chế độ nhà nước, giúp họ có thêm nguồn lực vật chất, tinh thần vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập đời sống cộng đồng.
Nghề công tác xã hội chuyên nghiệp có tác động rất tích cực trong việc khích lệ cá nhân, cộng đồng phát huy được nội lực sẵn có trong mỗi cá nhân, cộng đồng để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực cho sự phát triển bền vững ngay tại cộng đồng dân cư. Các hoạt động trợ giúp xã hội nếu được gắn với gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư sẽ góp phần giảm tải cho các cơ sở bảo trợ xã hội, tiết kiệm được nguôn nhân lực và ngân sách nhà nước trong việc duy trì họat động của các cơ sở nuôi dưỡng tập trung, từng bước xã hội hóa việc thu hút nguồn lực xã hội vào việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho người dân khi có nhu cầu ngay tại cộng đồng. Đây cũng chính là xu hướng mới trong nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội đó là một việc chỉ giao cho một cơ quan chuyên nghiệp, một đầu mối xuyên suốt và chịu trách nhiệm chính về chất lượng dịch vụ, đây cũng chính là động lực tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững vì nếu chất lượng dịch vụ kém hiệu quả thì sẽ không có dịch vụ dẫn đến không có nguồn thu và hậu quả là dẫn đến việc giải thể, phá sản. Chỉ có sự cạnh tranh lành mạnh mới tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển, từng bước xã hội hóa các hoạt động trợ giúp xã hội và gắn với cộng đồng dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng xã hội và người dân có nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội được thụ hưởng các dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp .
Một số khuyến nghị
Đến nay việc triển khai thực hiện Quyết định 32 đã được hơn 7 năm, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai rất tích cực, điều đó khẳng định tính khoa học và thực tiễn của Đề án nên số lượng các trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội được thành lập mới hoặc bổ sung chức năng đã đạt và vượt chỉ tiêu, số nhân viên, cộng tác viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ cũng khá lớn, góp phần tích cực vào việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội. Tao ra sự chuyển biến sâu, rộng trong xã hội, đặc biệt là các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội và người dân một nghề mới là nghề công tác xã hội, điều này đã được khẳng định tại Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT – BLĐTBXH – BNV ngày 19/8/2015 giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có luật về công tác xã hội do đó còn rất nhiều khoảng trống như: Vị trí của viên chức công tác xã hội khi thực hiện các hoạt động trợ giúp cho đối tượng được phép yêu cầu các cơ quan chức năng như công an, y tế, giáo dục, chính quyền các cấp, các cơ sở trợ giúp pháp lý… chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Người muốn hành nghề công tác xã hội cần phải được có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn như thế nào ? và do cơ quan nào cấp ?.…trong quá trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội nhân viên công tác xã hội bị tại nạn, bị đối tượng đánh gây thương tích, hay bị đe dọa, “khủng bố qua điện thoại” vào ban đêm… hay khi bệnh nhân ốm phải đưa đi viện và cán bộ chăm sóc, nuôi dưỡng phải trực tiếp tiếp cận, hỗ trợ đối tượng bị mắc bệnh truyền nhiễm thậm chí bị nhiễm HIV/AIDS…dẫn đến thương tích hay mắc bệnh thì được hỗ trợ gì ?…. đây là những nội dung rất cần các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành các chính sách để bảo vệ, hỗ trợ cho người làm công tác xã hội. Vì xu hướng khi xã hội phát triển thì nghề công tác xã hội sẽ phát triển, “Năm nay nước Mỹ kỷ niệm 100 năm ngày công tác xã hội, hiện Mỹ có khoảng 650 nghìn người hành nghề công tác xã hội, và dự kiến sẽ tăng 12%..”. Trong 2 ngày 12 và 13/10/2017, tại Huế đã diễn ra Hội thảo “ Xây dựng đề cương chi tiết Luật thực hành công tác xã hội” gồm 7 chương 84 điều, đây là xu hướng tất yếu khi nước ta ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới thì các hoạt động dịch vụ phải được luật hóa. Trong quá trình xây dựng luật các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội rất cần các Bộ, ngành tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về công tác xã hội vì quá trình xã hội hóa các dịch vụ trợ giúp xã hội thì sẽ có các tổ chức, cá nhân, trong nước và quốc tế tham gia vào quá trình cung cấp các dịch vụ công tác xã hội sẽ góp phần cho các đối tượng xã hội được tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thực tế của người dân tại cộng đồng./.
Nguyễn Ngọc Minh
Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội
Tài liệu tham khảo, trích dẫn:
– Quyết định số 32/2010/QĐ – Ttg ngày 25/3/2010 của Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020;
– Tài liệu hướng dẫn thực hành ( Dành cho cán bộ xã hội cấp cơ sở – Bộ Lao động TBXH – Unicef bài Luật hóa nghề Công tác xã hội của Nguyễn Thanh đăng trang 10;
– Báo Lao động xã hội số 124 ra ngày 15/10/2017;
– Báo cáo kết quả hoạt động của Trung tâm.