TIN TỨC

Truyền thông cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội
Ngày đăng: 2023-10-30 20:19:52

         Trong thời gian gần đây, các vấn đề bạo lực học đường, xâm hại trẻ em… đang diễn ra ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ. Nhằm trang bị cho các em học sinh các kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân, từ ngày 21- 30/10/2023, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tổ chức 05 cuộc truyền thông cho học sinh các trường Tiểu học, THCS tại huyện Đan Phượng, Thạch Thất và Mỹ Đức, TP. Hà Nội.

         Ngày 21/20/2023, với chủ đề “Chăm sóc sức khoẻ tâm sinh lý tuổi vị thành niên”, thông qua phần hỏi đáp và trò chơi, học sinh trường THCS Tân Lập (Huyện Đan Phượng) được TS. Nguyễn Thị Hương- Trưởng bộ môn Tâm lý, khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Lao động xã hội cung cấp kiến thức về lứa tuổi vị thành niên; đặc điểm tuổi dậy thì ở nam giới và nữ giới; tình bạn khác giới, giới tính, những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì; các nguy cơ mang thai tuổi vị thành niên….từ đó trang bị cho các em một số kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi tâm sinh lý, những kiến thức tự chăm sức khỏe sinh sản ở lứa tuổi vị thành niên thanh niên, cách để tránh bị lạm dụng tình dục, phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn …tạo một môi trường học tập an toàn, lành mạnh.

Ảnh: TS. Nguyễn Thị Hương truyền thông cho học sinh trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Đan Phượng, Tp. Hà Nội

         Ngày 23/10/2023, tại trường THCS Tân Lập, huyện Đan Phượng, qua những câu chuyện đầy xúc động về quá trình được sinh ra của các em học sinh, câu chuyện về thiếu uý Đậu Thị Huyền Trâm hay câu chuyện về những viên đá; TS. Nguyễn Duy Nhiên – Trưởng khoa Triết học (nguyên Phó khoa Công tác xã hội) Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã giúp các em hiểu được chủ đề truyền thông “Giá trị yêu thương”, lòng biết ơn, cách để thể hiện tình yêu thương với ba mẹ, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh; giúp các em hiểu được việc thể hiện tình yêu thương từ trái tim là dùng những hành động đẹp, sự lắng nghe và thấu hiểu đến với những người mình yêu quý.

Ảnh: TS. Nguyễn Duy Nhiên truyền thông cho học sinh trường THCS Tân Lập, huyện Đan Phượng, Tp. Hà Nội

         Ngày 26/10/2023 tại trường Tiểu học Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức và ngày 27/10/2023 tại trường Tiểu học Bình Phú B, huyện Thạch Thất, báo cáo viên Đỗ Huy Hoàng đã chia sẻ tới các em học sinh chủ đề “Phòng chống xâm hại và bắt cóc trẻ em”. Trong buổi truyền thông báo cáo viên giúp các em nhận diện những bộ phận cơ thể có thể bị xâm hại; những kiến thức liên quan đến vấn đề phòng chống xâm hại, bắt cóc; trực tiếp đặt ra các tình huống các em có thể bị xâm hại, bắt cóc và hướng dẫn các em các cách thức thoát khỏi những kẻ có ý định xâm hại thân thể hoặc bắt cóc. Thông qua buổi truyền thông, các em học sinh có thêm hiểu biết và cách nhận diện biểu hiện của các hành vi xâm hại, bắt cóc rút ra được bài học cần thiết cho bản thân và trách nhiệm của bản thân trong việc tự bảo vệ bản thân mình.

Ảnh: Giảng viên Đỗ Huy Hoàng hướng dẫn cách thức thoát thân khi các em bị bắt tại trường Tiểu học Bình Phú B, huyện Thạch Thất, Tp. Hà Nội

         Trong buổi tuyên truyền sáng 30/10/2023 tại trường Tiểu học Bình Yên, huyện Thạch Thất, TS. Nguyễn Duy Nhiên chia sẻ, cung cấp một số kiến thức, kỹ năng về chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường”; giúp các em củng cố và mở rộng những hiểu biết về bạo lực học đường: các hình thức bạo lực học đường, hậu quả của bạo lực học đường, các biện pháp phòng chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó giảng viên còn đưa ra các câu hỏi, tình huống thực tế và kể những câu chuyện để các em tự nhận ra được cần yêu quý bản thân mình, yêu thương bố mẹ, thầy cô, tôn trọng bạn học và những người xung quanh; kiểm soát cảm xúc của bản thân…

Ảnh: TS. Nguyễn Duy Nhiên truyền thông cho học sinh trường Tiểu học Bình Yên, huyện Thạch Thất, Tp. Hà Nội

         Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị, hi vọng các em học sinh có thể hiểu hơn về những khó khăn, vất vả của bố mẹ, thầy cô để từ đó biết lắng nghe, chia sẻ, cảm ơn; biết tự bảo vệ bản thân trước bạo lực học đường, xâm hại và bắt cóc trẻ em hay trước “những rung động đầu đời” ở tuổi học sinh; cách kiểm soát cảm xúc để tránh những nguy cơ có thể gây hại đến bản thân.

         Trong thời gian tới Trung tâm Công tác xã hội sẽ tiếp tục tổ chức truyền thông học sinh tại các trường trên đại bàn thành phố Hà Nội với các chủ đề “Bảo về trẻ em trên môi trường mạng”, “Giá trị yêu thương”, “Tình bạn, tình yêu tuổi học trò”….

Nguyễn Hồng Diệp – TT CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội