TIN TỨC

ỨNG DỤNG CNTT HƯỚNG ĐI TẤT YẾU TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI
Ngày đăng: 2022-06-30 09:12:10

Nghị quyết số 15 – NQ/TW, ngày 01/6/2012 đã  nêu: “ Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị – xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Hệ thống pháp luật và chính sách phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Các lĩnh vực xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhất là giảm nghèo, tạo việc làm, ưu đãi người có công, giáo dục và đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác gia đình và bình đẳng giới”.

Để việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực an sinh xã hội được hiệu quả, đặc biệt là công tác trợ giúp của Nhà nước đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đòi hỏi nhà nước phải có công cụ quản lý khoa học nhưng người dân có thể truy cập dễ dàng, đơn giản và hiệu quả; đảm bảo quyền của người dân, đặc biệt đối tượng trợ giúp xã hội; vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích sự nỗ lực vươn lên của các đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp của Nhà nước, hòa nhập đời sống cộng đồng, đồng thời khắc phục được  sự ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.

Được sự trợ giúp của Nhà nước về hỗ trợ việc học nghề và giới thiệu việc làm, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi… nhiều gia đình đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó cũng có một số đối tượng có tâm lý ỷ lại vào chính sách trợ giúp xã hội , lợi dụng sự bất cập của chính sách để  hưởng sự hỗ trợ như: trước đây do con nhỏ, bị tại nạn rủi ro… gia đình thuộc hộ nghèo, bình quân thu nhập của từng hộ thấp nhưng  khi mức sống đã được cải thiện vẫn “ không muốn thoát nghèo” nên trong thực tế nhiều hộ xây nhà kiên cố, có các tiện nghi sinh hoạt khá cao nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo; Việc một số bệnh viện đã có những cơ chế hỗ trợ để thu hút người dân có thẻ Bảo hiểm y tế đến khám bệnh nhiều lần trong tháng tại các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài tỉnh một cách  “ bất bình thường”, dẫn đến sử dụng không hiệu quả  nguồn quỹ bảo hiểm y tế; Do cơ chế tự chủ nên có tình trạng đơn vị y tế lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế kéo dài…chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cao… Những biểu hiện trên đã gây ra sự  khó khăn,bất cập với các cơ quan thực thi chính sách xã hội và tạo dư luận xã hội không tốt về việc lợi dụng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước để trục lợi bất hợp pháp.

Để khắc phục được những hạn chế, bất cập trên thì việc áp dụng CNTT là hướng đi tất yếu trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người dân.

Ngày 25 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 708/QĐ – TTg Phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin ( CNTT) vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu:Triển khai ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; kiểm tra, giám sát và tổ chức sơ kết hàng năm, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án vào năm 2020 trước khi tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo đến năm 2030.

Ngày 27/6/2017, tại Hải Phòng; Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo trợ giúp nạn nhân bom mìn. Tại Hội thảo các chuyên gia đã trình bày dự thảo Quy trình theo dõi và cập nhật thông tin người khuyết tật bao gồm nạn nhân bom mìn. Quy mô hệ thống bao gồm 4 cấp: cấp xã, phường, thị trấn; cấp huyện, quận, thị xã; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp Trung ương.

Dự thảo Quy trình theo dõi và cập nhật thông tin người khuyết tật bao gồm nạn nhân bom mìn gồm 3 quy trình.

 

Quy trình 1: Xác định đối tượng bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Truyền thông
  • Bước 2: Lập danh sách NKT và NNBM
  • Bước 3: Rà soát danh sách NKT và NNBM
  • Bước 4: Tổng hợp danh sách NKT và NNBM thực tế chuyển cho cộng tác viên công tác xã hội
  • Bước 5: Thu thập thông tin ( khai báo trên Web và phiếu thu thập thông tin về người khuyết tật ( NKT)/ nạn nhân bom mìn (NNBM)
  • Bước 6: Nhập phiếu thu thập thông tin vào phần mềm trên Web
  • Bước 7: Duyệt thông tin vào cơ sở dữ liệu.

Quy trình 2: Khai thác thông tin

  • Bước 1: Cơ quan/tổ chức ghi phiếu yêu cầu
  • Bước 2: Duyệt yêu cầu cung cấp thông tin
  • Bước 3: Cung cấp thông tin

Quy trình 3: Cập nhật thông tin

  • Bước 1: Trường hợp thay đổi thông tin
  • Thay đổi thông tin địa danh
  • Thay đổi thông tin khác
  • Bước 2: Trường hợp mới phát sinh

Đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho việc xây dựng phần mềm ứng

dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội. Khi hoàn thiện hệ thống người dân có quyền cung cấp thông tin vào phần mềm sau đó chuyển cho cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội hoặc cán bộ công tác xã hội tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền ( xã, phường) phê duyệt. Khi có kết quả được phê duyệt ( hoặc có nội dung chưa phù hợp…) cán bộ sẽ có trách nhiệm hướng dẫn người cung cấp thông tin tiếp tục hoàn thiện việc kê khai và đề xuất nhu cầu hỗ trợ của nhà nước với người dân. Khi có kết quả theo nhu cầu hoặc không đủ điều kiện được nhận sự trợ giúp thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng phải giải thích rõ lý do với người cung cấp thông tin.

Lợi ích của hoạt động này sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước có được đầy đủ thông tin cá nhân là đối tượng của chính sách: Trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trên từng địa bàn, làm cơ sở cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời tiết kiệm được kinh phí phục vụ các hoạt động điều tra, nâng cao được trách nhiệm của cá nhân khi cung cấp thông tin và nhu cầu cần hỗ trợ với chính quyền địa phương nơi cư trú. Căn cứ vào cơ sở dữ liệu trên toàn hệ thống các cơ quan Nhà nước mới có cơ sở khoa học và thực tế  để hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai cấp thẻ an sinh xã hội điện tử tích hợp, giúp người dân thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội một cách thuận lợi. Từ số liệu trên việc xây dựng và ban hành chính sách trợ giúp xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ góp phần khắc phục được tình trạng “ bất cập” trong quá trình xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Để triển khai có hiệu quả chính sách an sinh xã hội thì vai trò của mỗi cá nhân trong việc cung cấp thông tin và nhu cầu cần trợ giúp là đặc biệt quan trọng vì có cơ sở dữ liệu được thu thập thông qua hệ thống công nghệ thông tin chính xác, khoa học thì việc xây dựng chính sách mới đúng đối tượng, đồng thời CNTT còn là công cụ quan trọng để kiểm tra việc kê khai thông tin của người dân, khắc phục được tình trạng trùng lặp thông tin, trùng lặp chế độ thụ hưởng gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin là hướng tất yếu trong quá trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong nền kinh tế thì trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

 

Ảnh minh họa được truy cập trên mạng Internet

 

Ngọc Minh