TIN TỨC

Nâng cao năng lực cho cán bộ về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em
Ngày đăng: 2023-11-05 15:01:16

         Trẻ em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn đã là thiệt thòi, nhưng với trẻ khuyết tật còn bất hạnh hơn khi các em phải gánh chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần, nhất là trẻ khuyết tật trong các gia đình nghèo, chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm…Với mục tiêu ngày càng có nhiều trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng đảm bảo trẻ khuyết tật được hưởng một cuộc sống tốt, có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em.

         Trong thời gian 2 ngày từ 02/11 – 03/11/2023, tại Hà Nội, Cục trẻ em phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCI) tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực cho cán bộ về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng”.Tham dự lớp tập huấn có ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em; bà Hoàng Thị Tây Ninh – Quản lý truyền thông Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCI); Tiến sỹ Đào Thị Thu Thủy – Chuyên gia giáo dục đặc biệt cho trẻ em; các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; lãnh đạo và cán bộ làm công tác trẻ em; cán bộ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở, Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ xã hội các tỉnh, thành phố.

         Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em nhấn mạnh: chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ các cấp, các đơn vị, các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan đến trẻ em khuyết tật về hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng đặc biệt là cán bộ tại cộng đồng, cán bộ các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật, cộng tác viên, tình nguyện viên, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật và trẻ em khuyết tật; qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc giáo dục tại cộng đồng tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố.

         Tại lớp tập huấn, các chuyên gia đã truyền đạt tới lớp học về quy trình quản lý trường hợp trẻ em khuyết tật, hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; giới thiệu, hướng dẫn triển khai mô hình và các hoạt động thực hiện mô hình mạng lưới kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng, mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; vai trò mạng lưới cha mẹ trẻ khuyết tật trong hệ thống hỗ trợ trẻ khuyết tật tại cộng đồng…những kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em khuyết tật cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật và kiến thức, kỹ năng hỗ trợ trẻ khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng; các kỹ năng xã hội cho trẻ khuyết tật: kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội. Đặc biệt là hướng dẫn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ khuyết tật (ăn uống, mặc quần áo, vệ sinh bản thân và chăm sóc diện mạo bên ngoài của các em) và một số phương pháp đặc thù dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ khuyết tật như phân tích nhiệm vụ, phân tách nhiệm vụ thành các bước nhỏ liên tục, hướng dẫn kỹ thuật xâu chuỗi, kỹ thuật gợi ý hình ảnh hay hướng dẫn kỹ năng tự điều chỉnh môi trường tinh thần, môi trường vật chất, thay đổi cách giao nhiệm vụ phù hợp với mỗi trẻ, thay đổi cách trợ giúp …của chính cán bộ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật. Qua đó, giúp cho cán bộ vận dụng được và làm tốt hơn công tác chăm sóc, nuôi dạy các em khuyết tật tại các cơ sở, các Trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố.

       Ảnh: Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em phát biểu khai mạc lớp tập huấn

         Các đại biểu tham gia tập huấn cùng trao đổi và thảo luận về nhiều nội dung, bao gồm: Thực trạng tình hình trẻ em khuyết tật và triển khai thực hiện Quyết định 1438/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 29/10/2018 về phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025; các quy định pháp luật, chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật như quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện; đặc điểm các dạng tật khác nhau của trẻ khuyết tật và những khó khăn mà các em khuyết tật đang gặp phải trong quá trình chăm sóc, trong học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí…; chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng như tiếp cận và thụ hưởng các chính sách xã hội; tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm và tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý cho các em khuyết tật … trao đổi các nội dung câu hỏi trong bộ công cụ sàng lọc khuyết tật trẻ em từ 0 đến 6 tuổi do tiến sỹ, bác sỹ Trần Ngọc Nghị – Trưởng phòng phục hồi chức năng giám định Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ y tế chia sẻ đã ban hành năm 2023 thông qua các kỹ năng: giao tiếp, vận động thô, vận động tinh, kỹ năng bắt chước và học, kỹ năng cá nhân – xã hội và các dấu hiệu khác thường khác nhằm phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ mầm non và tiểu học để có biện pháp hỗ trợ phù hợp và can thiệp sớm với trẻ khuyết tật.

Ảnh: Các đại biểu tham gia thuyết trình bài tập nhóm

         Với những kiến thức được trang bị, qua lớp tập huấn các học viên tiếp tục được nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật, trở thành những tuyên truyền viên cho cộng đồng; đồng thời thực hiện tốt công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, phục hồi chức năng, giáo dục nghề nghiệp, tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em khuyết tật và hòa nhập cộng đồng ở cơ sở, đơn vị trên địa bàn trong thời gian tới; tất cả vì mục tiêu dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em và không để bất kỳ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

         Kết thúc lớp tập huấn, bà Châu Thị Minh Anh – Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em – Cục trẻ em đánh giá cao tinh thần học tập nghiêm túc, nhiệt tình của các học viên và mong muốn các học viên tiếp thu những kiến thức mà các chuyên gia đã truyền đạt để vận dụng tốt các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công tác hỗ trợ, trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy trẻ khuyết tật tại đơn vị; đồng thời hỗ trợ, trợ giúp trẻ khuyết tật tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng;  giúp các em khuyết tật tăng cường khả năng hòa nhập với cộng đồng để trở thành người có ích cho xã hội hoặc ít nhất có thể tự chăm sóc cho bản thân ở hiện tại và tương lai.

Ảnh: Các đại biểu tham dự tập huấn chụp ảnh lưu niệm.

                                           Hoàng Thị Lan Anh – TT CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội