GIỚI THIỆU
thông báo mới
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP
Visit Today : 42 |
Total Visit : 1396197 |
Hits Today : 242 |
Who's Online : 2 |
TIN TỨC
Tiếp tục thực hiện kế hoạch 1071/KH-SLĐTBXH ngày 28/3/2024 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội về việc triển khai hoạt động tư vấn, tham vấn và trang bị kỹ năng sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024; ngày 15/8/2024, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đan Phượng triển khai 03 lớp trang bị kỹ năng sống và hướng nghiệp cho 150 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của các xã Tân Lập, Tân Hội, Thọ Xuân.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Tiến Trung- Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội; Bà Phạm Thị Hiền – Phó phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đan Phượng, ông Lê Tuấn Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Tiến Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, về đường dây nóng hoạt động 24/7 của Trung tâm là 0243.2233.111. Trung tâm triển khai chương trình trang bị kỹ năng sống nhằm trang bị cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn những kiến thức về cuộc sống, có hành vi ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ xã hội; định hướng cho các em rèn luyện nhân cách, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Tiến Trung- Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phát biểu khai mạc
Tại xã Tân Lập, Thạc sĩ Hoàng Thị Thơm – Chuyên gia Tâm lý học đường Trung tâm Tâm Lý Giao dục Green edu đã trao đổi với các em chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em”. Thạc sĩ Hoàng Thị Thơm đã giúp các em củng cố và mở rộng những hiểu biết về bạo lực học đường: các hình thức bạo lực học đường, nguyên nhân dẫn đến bạo lực, hậu quả của bạo lực học đường, các biện pháp phòng chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó giảng viên còn đưa ra các câu hỏi, tình huống thực tế và kể những câu chuyện để các em tự nhận ra được cần yêu quý bản thân mình, yêu thương bố mẹ, thầy cô, tôn trọng bạn học và những người xung quanh; kiểm soát cảm xúc của bản thân, nhận diện các nguy cơ bị xâm hại…
Ảnh: Lớp trang bị kỹ năng sống và hướng nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xã Tân Lập, huyện Đan Phượng.
Ảnh: Lớp trang bị kỹ năng sống và hướng nghiệp cho trẻ em có hoàn ảnh khó khăn xã Tân Lập huyện Đan Phượng với chủ đề “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”
Tại xã Tân Hội, Thạc sỹ Lưu Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm tâm lý Giáo dục Green edu đã trao đổi với các em chủ đề hướng nghiệp “Xây mơ ước rước tương lai” và “Tình yêu, sức khoẻ sinh sản”. Với chủ đề “Tình yêu, sức khoẻ sinh sản” Giảng viên đã bổ sung cho các em những kiến thức về tuổi vị thành niên, kiến thức về giới tính, tình yêu… những tác động tích cực, tiêu cực và hệ luỵ của tình yêu tuổi vị thành niên. Với chủ đề hướng nghiệp “Xây mơ ước rước tương lai”, giảng viên Lưu Quốc Tuấn đã chia sẻ về tầm quan trọng của định hướng nghề nghiệp, việc xác định mục tiêu của bản thân, những thông tin cơ bản về định hướng nghề nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động, cách để xác định sở thích, điểm mạnh yếu của bản thân. Từ đó, xác định lộ trình học cụ thể, đủ thời gian để tu dưỡng và tập trung phát triển, đưa ra những quyết định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của bản thân, định hướng nghề nghiệp phù hợp đáp ứng đúng nhu cầu xã hội. Sau khi khi tốt nghiệp trung học cơ sở, các em sẽ lựa chọn cho mình môi trường học tập phù hợp với khả năng, ước mơ, đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện để từ đó chủ động
xây dựng lộ trình phát triển bản thân trong tương lai.
Ảnh: Trẻ em tích cực tham gia câu hỏi tình huống với chủ đề ” Tỉnh yêu, sức khoẻ sinh sản” tại xã Tân Hội
Tại xã Thọ Xuân, Thạc sĩ Tạ Chí Thành – Giảng viên bộ môn Tâm lý trường đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ chủ đề “Kỹ năng bảo vệ bản thân” và “Bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng xã hội”. Giảng viên đã mời các em chia sẻ những hiểu biết của mình về internet, mạng xã hội, nhu cầu và tần suất sử dụng mạng xã hội của bản thân. Những lợi ích và tác hại khi sử dụng mạng xã hội được chỉ ra thông qua tình huống cụ thể, giúp các em có nhận thức tốt hơn về việc sử dụng internet một cách an toàn. Giảng viên cũng cung cấp và chia sẻ những kiến thức và kỹ năng như: nhận biết các hành vi xâm hại qua môi trường mạng; kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước vấn nạn xâm hại hiện nay, nhất là xâm hại tình dục trên môi trường mạng và cách sử dụng internet an toàn cho lứa tuổi học trò, kinh nghiệm xử lý tình huống khi có
nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.
Ảnh: Trẻ em tham gia giải quyết tình huống với chủ đề “Bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng xã hội” tại lớp trang bị kỹ năng sống ở xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng.
Bên cạnh phần lý thuyết, các em được tham gia trò chơi, tương tác với giảng viên qua những câu hỏi tình huống, giúp các em liên hệ được lý thuyết và thực hành để củng cố thêm kiến thức và có kỹ năng tự bảo vệ chính mình.
Bằng những nội dung thiết thực, cùng với sự nhiệt tình, tâm huyết của giảng viên, các lớp trang bị kỹ năng sống đã cung cấp thêm rất nhiều những kiến thức bổ ích cho các em. Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội xin trân trọng cảm ơn Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các xã Tân Lập, Tân Hội, Thọ Xuân huyện Đan Phượng và các giảng viên đã phối hợp, đồng hành cùng Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội trong hoạt động ý nghĩa này./.
Phạm Văn Ban – Trung tâm CTXH và Quỹ BTTE Hà Nội
CÁC TIN KHÁC:
- Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tặng kinh phí và quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị
- Tặng quà dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 cho trẻ em Trung tâm Bảo trợ xã hội 3
- Lớp học Tỏa sáng tháng 5 năm 2024
- Thăm và tặng quà cho trẻ em nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6