TIN TỨC

Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội triển khai hoạt động tư vấn, tham vấn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng năm 2024
Ngày đăng: 2024-06-26 11:48:03

      Thực hiện Kế hoạch số 1071/KH-SLĐTBXH ngày 28/3/2024 của Sở Lao đông – TB&XH Hà Nội về việc triển khai hoạt động tư vấn, tham vấn và trang bị kỹ năng sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024, từ ngày 9/5/2024 đến 21/6/2024,  Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với phòng Lao động – TB&XH, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện: Thanh Oai, Hoài Đức, Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh tổ chức 33 cuộc tư vấn, tham vấn cho 660 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là học sinh đang theo học tại các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện.

Ảnh: Tư vấn, tham vấn cho trẻ em tại trường THCS Nguyễn Trực, huyện Thanh Oai

      Trẻ em tham gia hoạt động tư vấn, tham vấn là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ ly hôn, cha hoặc mẹ đang chấp hành án tù tại trại giam, gia đình đông con v.v.. Bên cạnh đó, một số em học sinh gặp vấn đề trong học tập như tăng động, không chú ý, khó khăn trong kiểm soát cảm xúc, hành vi, dễ nổi cáu, đánh bạn học hoặc rụt rè, ngại giao tiếp, từng bị bạn bè trêu chọc, bạo lực. Ngoài ra, Trung tâm nắm bắt được một số em gặp phải vấn đề về tâm lý như lo lắng, sợ hãi, rối loạn cảm xúc… các em không dám tâm sự, chia sẻ với gia đình, thầy cô, bạn bè nhưng đã cởi mở chia sẻ với nhân viên tư vấn.

      Trong quá trình trò chuyện với các em, bằng những kiến thức, kỹ năng chuyên môn và nguyên tắc bảo mật thông tin, nhân viên tư vấn đã tạo được sự tin tưởng, giúp các em cởi mở, mạnh dạn chia sẻ những cảm xúc, vấn đề khó khăn mà bản thân đang gặp phải. Nhân viên tư vấn đã lắng nghe, động viên, chia sẻ với hoàn cảnh gia đình của các em, cùng thảo luận, phân tích những vấn đề mà các em đang gặp phải để tự nhìn nhận, đưa ra giải pháp giải quyết phù hợp. Các em được trang bị kiến thức, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, hành vi; phòng, chống xâm hại, bạo lực tại trường học, gia đình, cộng đồng và xâm hại qua môi trường mạng; phòng chống tai nạn thương tích, cách thức tham gia giao thông an toàn… giúp các em có biện pháp bảo vệ bản thân trước những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng. Đặc biệt trong quá trình tư vấn, nhân viên cung cấp những địa chỉ tin cậy hỗ trợ cho trẻ em như Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội 0243.2233.111 để các em liên hệ khi cần sự trợ giúp. Sau khi tư vấn, Trung tâm sẽ thực hiện quản lý trường hợp với tất cả các em, giữ mối liên hệ với các em để tiếp tục tư vấn, tham vấn và trợ giúp cho các em qua điện thoại, giúp các em ổn định tinh thần, tự tin, vững vàng hơn, chủ động trong học tập đạt được kết quả cao, biết kiềm chế cảm xúc, xử lý các tình huống nguy hiểm, có định hướng nghề nghiệp phù hợp, hướng đến tương lai tươi sáng. Đồng thời, nhân viên tư vấn thông tin với gia đình, nhà trường để quan tâm, cùng đồng hành giúp các em có cuộc sống tốt hơn.

Ảnh: Tư vấn, tham vấn cho trẻ em tại trường THCS Cát Quế, huyện Hoài Đức

      Đối với các em học sinh là người gây bạo lực trong các vụ việc bạo lực học đường. Nhân viên tư vấn đã khai thác thông tin và tìm hiểu những khó khăn mà các em đang gặp phải trong mối quan hệ với bạn bè, khả năng giải quyết xung đột, mâu thuẫn v.v.. từ đó phân tích cho trẻ hiểu các nguy cơ, hậu quả của việc sử dụng bạo lực, trang bị cho các em kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin hiệu quả, nhận diện cảm xúc của bản thân khi nóng giận và cách kiềm chế cảm xúc. Nhân viên tư vấn đã cùng trẻ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các hành vi bạo lực và cùng thảo luận để đưa ra các giải pháp xử lý khi gặp phải các tình huống tương tự. Đồng thời, nhân viên tư vấn động viên, khen ngợi, khích lệ giúp trẻ tin tưởng vào bản thân sẽ thay đổi và trở thành người có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

      Một trong những trường hợp trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tham gia hoạt động là em M, đang học lớp 7, em từng tham gia đánh bạn cùng trường và bị xử lý kỷ luật. Qua nắm bắt thông tin, được biết em M từng nhiều năm liền đạt học xuất sắc tại trường tiểu học, tuy nhiên do trải qua một số biến cố khiến em chán nản, chểnh mảng học tập dẫn đến thành tích sa sút, năm lớp 6 em đạt học lực trung bình trong lớp. Quá trình trò chuyện, em M đã mạnh dạn nhắc lại sự việc em đánh bạn và bị bạn đó gọi thêm người đánh lại. Nhân viên tư vấn đã lắng nghe, tư vấn, tham vấn cho em một số kỹ năng kiểm chế cảm xúc, giúp em nhận thức rõ hành vi, vòng tròn bạo lực và hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với bản thân, gia đình, trường học và người bị đánh, từ đó thay đổi hành vi, phòng ngừa tái diễn bạo lực với người khác. Đồng thời, tư vấn, tham vấn cho em đối diện với những sự kiện đã diễn ra, lấy đó làm động lực để sống tốt hơn; khen ngợi khả năng học tập của em từng có trong thời gian học tiểu học, khích lệ và tin tưởng rằng chỉ cần em cố gắng, tập trung học sẽ lấy lại thành tích học tập tốt như trước. Sau đó, nhân viên tư vấn đã trao đổi với giáo viên chủ nhiệm của em để quan tâm, động viên em trong học tập và cũng đã lấy số điện thoại của gia đình em, có kế hoạch tiếp tục tư vấn, tham vấn cho em qua điện thoại và tư vấn cho gia đình em để quan tâm, đồng hành trong việc chăm sóc, giáo dục em.

Ảnh: Tư vấn, tham vấn cho trẻ em tại trường THCS Hà Hồi, huyện Thường Tín

      Một trường hợp khác được Trung tâm tư vấn, tham vấn tại trường học thuộc huyện Đông Anh, đó là em K.N thường xuyên bị bố đẻ bạo hành. Khi ở nhà, K.N luôn cảm thấy lo lắng, hoảng sợ và bất an vì bố có thể mắng chửi, đánh em bất cứ lúc nào, mẹ em có biết sự việc em bị đánh nhưng chưa biết cách nào để bảo vệ em. Nhân viên tư vấn đã động viên, tư vấn, tham vấn giúp em bình tĩnh, trang bị cho em một số kỹ năng xử lý khi bị bố bạo hành và nhờ tới sự giúp đỡ của người thân, cơ quan công an, chính quyền địa phương hoặc các đơn vị bảo vệ trẻ em như Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. Đối với trường hợp đặc biệt này, nhân viên tư vấn trao đổi, phối hợp với chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp, trợ giúp cho em, tránh để tái diễn hành vi bạo lực.

      Hoạt động tư vấn, tham vấn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trực tiếp tại cộng đồng đã nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của phòng Lao động – TB&XH, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, các Trường THCS trong việc triển khai, thực hiện. Các đơn vị đều đánh giá cao kết quả đạt được, khẳng định hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung tâm để có thêm nhiều trẻ em được tham gia hoạt động tư vấn cộng đồng. Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội xin trân trọng cảm ơn các đơn vị đã đồng hành, phối hợp nhiệt tình để tổ chức hoạt động thành công./.

* Một số hình ảnh tư vấn, tham vấn cho trẻ em:

Ảnh: Tư vấn, tham vấn cho trẻ em tại trường THCS Mai Đình, huyện Sóc Sơn

Ảnh: Tư vấn, tham vấn cho trẻ em tại trường THCS Nam Hồng, huyện Đông Anh

Ảnh: Tư vấn, tham vấn cho trẻ em tại trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức

Ảnh: Tư vấn, tham vấn cho trẻ em tại trường THCS Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai

Đặng Thị Mai – Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em